Mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu và hướng dẫn cách kê khai

Mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu là tài liệu tối thiểu bắt buộc phải có trong bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ. Đây cũng là tài liệu khiến nhiều người nộp đơn loay hoay không biết phải chuẩn bị như thế nào. Trong bài viết này, IPGO sẽ cung cấp mẫu Tờ khai đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mới nhất và hướng dẫn khách hàng cách kê khai tờ khai một cách đầy đủ, chi tiết và hiệu quả.

Mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu

Bạn hãy tải ngay mẫu tờ khai (đơn) đăng ký nhãn hiệu tại ĐÂY.

Xin lưu ý rằng mỗi tờ khai đăng ký nhãn hiệu chỉ dùng để đề nghị xem xét cấp 01 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tương ứng cho 01 nhãn hiệu.

Vì vậy, trong trường hợp doanh nghiệp dự định đăng ký nhiều nhãn hiệu cần nộp nhiều đơn đăng ký nhãn hiệu.

Một số yêu cầu chung đối với đơn đăng ký nhãn hiệu:

  • Mọi tài liệu của đơn đều phải được làm bằng tiếng Việt. Nếu tài liệu nào được làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt (ví dụ: Giấy ủy quyền, tài liệu xác nhận quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký của người khác, tài liệu chứng minh cơ sở hưởng quyền ưu tiên hay tài liệu khác để bổ trợ cho đơn,…)
  • Mọi tài liệu đều phải được trình bày theo chiều dọc (trừ hình vẽ, sơ đồ và bảng biểu có thể được trình bày theo chiều ngang) trên một mặt giấy khổ A4, trong đó có chừa lề theo bốn phía, mỗi lề rộng 20mm, theo phông chữ Times New Roman kích cỡ không nhỏ hơn 13, trừ các tài liệu bổ trợ mà nguồn gốc tài liệu đó không nhằm để đưa vào đơn.
  • Tài liệu nào cần lập theo mẫu thì bắt buộc phải dùng mẫu đó và điền đầy đủ thông tin được yêu cầu.
  • Tài liệu nào nếu gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự;
  • Tài liệu phải được đánh máy rõ ràng, khó phai mờ, không tẩy xóa, không sữa chữa;
  • Chỉ dùng thuật ngữ phổ thông và thống nhất trong đơn, không dùng tiếng địa phương, từ hiếm gặp, từ tự tạo. Ký hiệu, đơn vị đo lường, phông chữ điện tử, quy tắc chính tả dùng trong đơn phải theo tiêu chuẩn Việt Nam;
  • Đơn có thể kèm theo tài liệu bổ trợ là vật mang dữ liệu điện tử của một phần hoặc toàn bộ nội dung tài liệu đơn.

 

Hướng dẫn cách soạn tờ khai đơn đăng ký nhãn hiệu

IPGO sẽ hướng dẫn bạn cách chuẩn bị tờ khai đăng ký nhãn hiệu cho từng mục cụ thể như sau:

Mục 1: NHÃN HIỆU

  • Mẫu nhãn hiệu: Bạn dán mẫu nhãn hiệu dự định đăng ký vào trong khung mẫu được dựng sẵn. Lưu ý mẫu nhãn hiệu phải được trình bày rõ ràng, kích thước không nhỏ hơn 3 x 3 cm và không lớn hơn 8 x 8 cm.
  • Loại nhãn hiệu yêu cầu đăng ký: Đánh dấu “x” vào ô vuông bên cạnh mỗi loại hình nhãn hiệu (Nhãn hiệu tập thể; nhãn hiệu liên kết hay nhãn hiệu chứng nhận).

Nếu nhãn hiệu của bạn là nhãn hiệu thông thường, không thuộc một trong ba loại hình được liệt kê thì không đánh dấu “x” vào ô nào cả. Phần lớn các nhãn hiệu nộp đơn đăng ký tại Cục SHTT là loại nhãn hiệu thông thường.

  • Mô tả nhãn hiệu: Đây là phần quan trọng để Cục SHTT hiểu về nhãn hiệu, từ đó đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệu trong quá trình thẩm định đơn.

Lưu ý chung khi mô tả nhãn hiệu:

+ Phải làm rõ được các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu nếu có (ví dụ: nhãn hiệu bao gồm phần hình và phần chữ; màu sắc của mỗi thành phần, ý nghĩa mỗi thành phần là gì (nếu có));

+ Nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm (Ví dụ: nhãn hiệu có chứa từ tiếng Trung Quốc là “今天” thì cần nêu được phiên âm của từ này là “jīn tiān”);

+ Nhãn hiệu có từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt (Ví dụ: nhãn hiệu có chứa cụm từ tiếng Anh là “Enjoy your life” thì cần dịch nghĩa cụm từ này sang tiếng Việt, cụ thể là “Tận hưởng cuộc sống của bạn”);

+ Nếu nhãn hiệu có chứa chữ số không phải là chữ số ả-rập hoặc la-mã thì phải dịch ra chữ số ả-rập; 

MỤC 2: CHỦ ĐƠN

Tên đầy đủ: Tên tô chức nộp đơn như ghi trên Giấy đăng ký kinh doanh hoặc tên cá nhân nộp đơn như trên Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

Địa chỉ: Địa chỉ của tổ chức nộp đơn như ghi trên Giấy đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân nộp đơn;

Địa chỉ liên hệ (nếu có): Điền thông tin để thuận tiện liên hệ, nhận tài liệu qua đường thư tín (nếu có)

Điện thoại, Fax, Email: Điền các thông tin để thuận tiện liên lạc.

Nếu có chủ đơn khác thì đánh dấu “x” vào ô vuông “Ngoài chủ đơn khai tại mục này còn có những chủ đơn khác khai tại trang bổ sung”. Sau đó, bạn kê khai đầy đủ thông tin Tên, địa chỉ, Điện thoại, fax, email của chủ đơn khác tại mục (2) của Trang bổ sung.

Sau đó sẽ khai bổ sung thêm chủ đơn tại trang bổ sung của tờ khai đăng ký nhãn hiệu. Nếu có nhu cầu cấp phó bản Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì đánh dấu “x” vào ô vuông bên cạnh.

MỤC 3: ĐẠI DIỆN CỦA CHỦ ĐƠN

Nếu cá nhân/tổ chức tự nộp đơn thì đánh dấu “x” vào bên cạnh ô “là người đại diện theo pháp luật của chủ đơn”. Sau đó điền đầy đủ các thông tin vào các phần “Tên đầy đủ” (tên người đại diện pháp luật của tổ chức), “Địa chỉ”, “Điện thoại”, “Fax”, “Email”.

Nếu cá nhân/tổ chức nộp đơn thông qua “tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được ủy quyền của chủ đơn” thì tổ chức dịch vụ đại diện đó sẽ tự điền thông tin tại phần này.

MỤC 4: YÊU CẦU HƯỞNG QUYỀN ƯU TIÊN

Để trống mục này nếu không có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;

Nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên thì đánh dấu “x” vào ô vuông tương ứng theo loại đơn/thỏa thuận nào.

Đồng thời, điền thông tin vào phần chỉ dẫn về đơn là căn cứ để xác định ngày ưu tiên, bao gồm: Số đơn, ngày nộp đơn, nước nộp đơn.

MỤC 5: PHÍ, LỆ PHÍ

Người nộp đơn sẽ dựa vào số lượng nhóm sản phẩm/dịch vụ và số sản phẩm/dịch vụ trong mỗi nhóm để đánh dấu “x” vào bên cạnh từng loại phí.

Thông thường các loại phí sau sẽ được đánh dấu “x”:

– Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ

– Phí công bố đơn: 120.000VNĐ

– Phí tra cứu phục vụ TĐND: 180.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ

– Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ (nếu có)

– Phí thẩm định nội dung: 550.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ

– Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000VNĐ/01 sản phầm, dịch vụ. (nếu có)

Sau đó người nộp đơn tính toán tổng số phí và lệ phí nộp theo đơn để điền nốt tổng tiền.

MỤC 6: CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG ĐƠN

Người nộp đơn nộp những tài liệu nào trong đơn thì đánh dấu “x” vào ô vuông bên cạnh tương ứng. Cán bộ tiếp nhận đơn sẽ kiểm tra kỹ phần này. Tuy nhiên, ít nhất đơn phải bao gồm các tài liệu tối thiểu là:

  • Tờ khai;
  • Mẫu nhãn hiệu, gồm 5 mẫu;
  • Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí;

MỤC 7: DANH MỤC VÀ PHÂN NHÓM HÀNG HÓA, DỊCH VỤ MANG NHÃN HIỆU

Ghi danh mục hàng hóa, dịch vụ đã phân loại phù hợp theo Bảng phân loại quốc tế Ni-xơ theo thứ tự từ nhóm thấp đến cao. Giữa các sản phẩm, dịch vụ trong cùng một nhóm phải ngăn cách nhau bằng dấu chấm phẩy “;”. Kết thúc mỗi nhóm phải ghi tổng số sản phẩm/dịch vụ trong nhóm đó.

Ví dụ:

Nhóm 29: Hoa quả sấy; trái cây đông lạnh; trái cây được bảo quản; trái cây đã nấu chín; trái cây đã chế biến [tất cả đã qua chế biến]. (05 sản phẩm)

Nhóm 31: Trái cây tươi; rau củ quả tươi [chưa qua chế biến]. (02 sản phẩm)

Nhóm 35: Mua bán trái cây sấy, hoa quả sấy, trái cây đông lạnh, trái cây được bảo quản, trái cây đã nấu chín, trái cây đã chế biến [tất cả đã qua chế biến], trái cây tươi, rau củ quả tươi [chưa qua chế biến]. (01 dịch vụ).

MỤC 8: MÔ TẢ TÓM TẮT ĐẶC TÍNH CỦA HÀNG HÓA/DỊCH VỤ ĐƯỢC CHỨNG NHẬN

Phần này chỉ dành riêng cho nhãn hiệu chứng nhận. Nếu nhãn hiệu bạn đăng ký không phải nhãn hiệu chứng nhận thì bỏ qua phần này.

MỤC 9: CAM KẾT CỦA CHỦ ĐƠN (Tại trang số 4)

Nếu chủ đơn/đại diện chủ đơn là cá nhân thì ký và ghi rõ họ tên.

Nếu chủ đơn/đại diện chủ đơn là tổ chức thì ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu của tổ chức đó.

Ngoài ra, ở cuối mỗi trang số 1, 2 và 3 của Tờ khai đăng ký nhãn hiệu đều có mục 9: CHỦ ĐƠN/ĐẠI DIỆN CHỦ ĐƠN KÝ TÊN. Tại đây (phần elip màu đen trong hình dưới), chủ đơn/đại diện chủ đơn chỉ cần ký tên, không cần ghi rõ họ tên, không cần đóng dấu.

Ngoài ra trong đơn đăng ký nhãn hiệu còn có thêm trang bổ sung của mục (2) – Chủ đơn khác và mục (6) – Các loại tài liệu khác.

Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu có từ chủ đơn thứ 2 trở đi hoặc có thêm các loại tài liệu khác ngoài các tài liệu đã được liệt kê thì bạn bổ sung thêm thông tin vào trang bổ sung, ghi rõ Trang bổ sung số bao nhiêu.

Như vậy, IPGO đã hoàn tất việc hướng dẫn soạn tờ khai đăng ký nhãn hiệu một cách cụ thể và đầy đủ để bạn có thể tiến hành thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu của mình.

Qua quá trình làm việc, IPGO nhận thấy thông thường cá nhân/tổ chức tự nộp đơn thường gặp lúng túng nhất trong phần mô tả nhãn hiệu. Vì vậy, hãy đọc tiếp bài viết vì IPGO sẽ chia sẻ phía dưới cách mô tả nhãn hiệu bằng một ví dụ cụ thể để bạn có thể dễ hiểu và thực hiện theo nhất.

Hướng dẫn mô tả nhãn hiệu bằng một ví dụ mẫu

Dưới đây là một nhãn hiệu mẫu mà chúng tôi đã lựa chọn để minh họa. Nhãn hiệu này vừa có màu sắc, vừa có phần hình và phần chữ, lại có chứa cả từ, ngữ tượng hình thuộc ngôn ngữ nước ngoài nên có thể coi như một ví dụ tiêu biểu để minh họa đầy đủ.

Mô tả nhãn hiệu:

Màu sắc: Đỏ, xanh lá cây. (Phần này bạn liệt kê đầy đủ các màu sắc có trong nhãn hiệu. Nếu nhãn hiệu màu đen trắng thì liệt kê là “Đen, trắng.”).

Mô tả: Nhãn hiệu bao gồm phần hình và phần chữ.

Nhãn hiệu gồm dòng chữ “HIRONO”. Trong đó, chữ cái “H” được thiết kế cách điệu thành hình một chiếc cổng đền màu đỏ với kích thước lớn, các chữ cái còn lại có màu xanh lá cây. “HIRONO” là từ không có nghĩa trong tiếng Việt. Ngoài ra, bên trái hình cổng đền là các ký tự tiếng Nhật Bản “広 野” màu xanh lá cây được trình bày thành hai dòng, có phiên âm là “Hi-ro-no” và có nghĩa tiếng Việt là “Cánh đồng rộng lớn”.

Tất cả được thể hiện như trên mẫu nhãn hiệu.

Hy vọng bạn đã có thể tham khảo và nắm bắt được cách mô tả nhãn hiệu cũng như soạn tờ khai đăng ký nhãn hiệu.

Hoặc bạn hoàn toàn có thể ủy quyền cho Hãng Luật TGS đại diện thực hiện. Chúng tôi sẽ giúp bạn:

Tuy nhiên, nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian, công sức và muốn tìm tới chuyên gia về nhãn hiệu để nhận được sự tư vấn tốt nhất nhằm bảo vệ tối ưu cho tài sản sở hữu trí tuệ của mình, hãy liên lạc với IPGO. Chúng tôi sẽ giúp bạn:

  • Tra cứu nhãn hiệu sơ bộ miễn phí trước khi tiến hành tra cứu chuyên sâu để giúp khách hàng tối ưu chi phí;
  • Tra cứu chuyên sâu nhãn hiệu nhằm đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu trước nộp đơn với mức độ tin cậy cao (lên tới 90%);
  • Tư vấn cách sửa đổi nhãn hiệu hay bổ sung / loại bỏ các thành phần khi cần thiết để gia tăng khả năng đăng ký thành công của nhãn hiệu.
  • Tư vấn phân nhóm sản phẩm/dịch vụ gắn với nhãn hiệu để xác định phạm vi bảo hộ tốt nhất;
  • Soạn tờ khai và thay mặt khách hàng nộp hồ sơ, làm các thủ tục cần thiết với Cục SHTT;
  • Theo dõi quá trình thẩm định đơn;
  • Tư vấn cách xử lý nếu có các vấn đề phát sinh (Ví dụ: bên thứ ba phản đối cấp Giấy chứng nhận ĐKNH);
  • Nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và bàn giao tận nơi cho khách hàng.