Lợi ích của việc đăng ký bản quyền?

Theo quy định pháp luật hiện nay, việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để hưởng các quyền tác giả, quyền liên quan.

Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.

Như vậy, đăng ký bản quyền không phải là thủ tục bắt buộc. Nhưng tại sao số lượng đơn đăng ký bản quyền ngày càng gia tăng?

Trong phạm vi bài viết này, IPGO xin phân tích một số lợi ích của việc đăng ký bản quyền như sau:

  • Là một biện pháp phòng ngừa và tự bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

Khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan thì tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

Ví dụ: A và B có tranh chấp về quyền tác. A đã được cấp Giấy chứng nhận, B thì chưa được cấp giấy chứng nhận nhưng lại khẳng định tác phẩm do mình sang tạo. Trong trường hợp này, nghĩa vụ chứng minh thuộc về B; B phải có các tài liệu chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan đó thuộc về mình. Trong trường hợp, B không chứng minh được, B hoàn toàn bị bất lợi.

  • Đáp ứng yêu cầu của Khách hàng, đối tác

Khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan có nghĩa là tác phẩm đó đã được Cơ quan nhà nước ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

Việc có một cơ quan nhà nước đứng ra ghi nhận các thông tin liên quan đến tác phẩm như trên là điều kiện mà nhiều khách hàng, đối tác đặt ra cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi hợp tác kinh doanh.

Ví dụ: Công ty A muốn sử dụng bài hát của tác giả B trong bộ phim của mình, khi đó Công ty A sẽ yêu cầu tác giả B cam kết và chứng minh bài hát đó do chính tác giả B sáng tác. Trong trường hợp này, ngoài nội dung cam kết giữa các bên thì Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cũng là một trong số các tài liệu Công ty A yêu cầu.

  • Là một trong các thủ tục vốn hoá tài sản sở hữu trí tuệ

Tài sản sở hữu trí tuệ là một tài sản có giá trị vô cùng to lớn và có thể vốn hoá vào trong vốn điều lệ của Doanh nghiệp cũng như thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh. Trong các trường hợp này, việc đăng ký quyền tác giả để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là một thủ tục cần thiết.

  • Hỗ trợ trong việc bảo hộ nhãn hiệu, phản đối cấp nhãn hiệu trong trường hợp nhãn hiệu bị xâm phạm.

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) có bổ sung thêm quy định về trường hợp dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu nếu dấu hiệu đó chứa bản sao tác phẩm (trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó). Ngoài ra, cũng bổ sung thêm quy định về trường hợp nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu như có chứa dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi, hình ảnh của nhân vật, hình tượng trong tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi trước ngày nộp đơn, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.

Với việc ghi nhận quy định nêu trên, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là một trong các tài liệu hữu ích để chứng minh với Cơ quan chức năng nếu như bạn có ý định phản đối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của bất kỳ cá nhân/tổ chức nào đó có dấu hiệu xâm phạm đến quyến tác giả của mình.

Ví dụ:  Công ty A phát hiện nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ của Công ty B trùng hoặc tương tự với logo thuộc sở hữu của Công ty A và  Công ty A có nhu cầu phản đối việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Công ty B.Trong trường hợp này, Công ty A cần  có công văn phản đối gửi tới Cục Sở hữu trí tuệ (công văn cần có các lập luận, dẫn chứng và tài liệu cụ thể). Trong trường hợp này, Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền là một trong số các tài liệu giúp Công ty A chứng minh và làm rõ yêu cầu phản đối.

Trên đây là một số lợi ích từ việc đăng ký bản quyền dưới góc nhìn của IPGO. Trường hợp Quý khách cần tư vấn và hỗ trợ các vấn đề có liên quan, Quy khách vui lòng liên hệ với IPGO theo thông tin liên hệ như sau:

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN VÀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ IPGO

Số 25 Vũ Ngọc Phan, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội

Tel:   0948 622 612              Email: banquyen14@gmail.com