Là một công ty chuyên tư vấn về bảo hộ nhãn hiệu, chúng tôi thường xuyên gặp các doanh nghiệp đến để tìm kiếm sự hỗ trợ về việc đơn đăng ký nhãn hiệu của họ bị từ chối hoặc cần sửa đổi. Việc khắc phục những vấn đề này có thể tốn kém và phức tạp. Tuy nhiên, một số vấn đề trong số đó có thể hoàn toàn phòng tránh được.
1. Đầu tư vào một cái tên trước khi tiến hành tra cứu nhãn hiệu kỹ lưỡng
Sai lầm về nhãn hiệu phổ biến nhất mà chúng tôi thấy chủ sở hữu hay mắc phải là quá yêu thích và đầu tư vào một cái tên cho doanh nghiệp, sản phẩm hoặc dịch vụ của họ mà không thực hiện tra cứu nhãn hiệu để xác định rằng nó có thể được sử dụng và đăng ký hay không.
Nhiều doanh nghiệp chỉ đơn giản là lựa chọn một cái tên mới mà họ yêu thích, thậm chí đổ nhiều tiền và công sức để thiết kế logo – bộ nhận diện thương hiệu, sau đó tiếp thị cho cái tên đó và sử dụng nó từ đó trở đi. Họ có thể thực hiện tìm kiếm nhanh trên Google để xem có ai khác đang sử dụng nó hay không. Sau đó, họ mới bắt đầu tìm tới chúng tôi để được hỗ trợ thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Tuy nhiên, trong phần đông các trường hợp, nhãn hiệu của họ không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ theo quy định của pháp luật.
Lý do từ chối phổ biến nhất khiến cho một đơn đăng ký nhãn hiệu không được cấp bằng không phải là nhãn hiệu đó giống hệt với nhãn hiệu của người khác, mà là nhãn hiệu đó tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký. Điều này thật sự rất đáng tiếc cho chủ sở hữu nhãn hiệu khi đã đầu tư nhiều công sức và giành được uy tín nhất định cho nhãn hiệu trên thị trường.
Để tránh vấn đề này, điều cực kỳ quan trọng là trước khi đầu tư cho nhãn hiệu, bạn phải thực hiện tra cứu nhãn hiệu nhằm xác định cái tên đó có thể được bảo hộ về mặt pháp lý và không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác hay không.
2. Trì hoãn quá lâu việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu
Sai lầm phổ biến thứ hai là không nộp đơn đăng ký nhãn hiệu kịp thời. Hiện tại Việt Nam đang áp dụng “nguyên tắc nộp đơn đầu tiên” trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Theo nguyên tắc này, nếu có nhiều chủ đơn khác nhau cùng nộp các nhãn hiệu trùng/tương tự với nhau cho các sản phẩm/dịch vụ trùng/tương tự nhau thì đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn đầu tiên sẽ được chấp nhận bảo hộ. Điều này có nghĩa là thời điểm nộp đơn sớm rất quan trọng, đóng vai trò quyết định rằng liệu nhãn hiệu của bạn có được bảo hộ không khi đồng thời xuất hiện những người khác cùng chung ý tưởng.
Nếu bạn sắp ra mắt một sản phẩm, dịch vụ hoặc một doanh nghiệp mới, nhưng lại không bắt đầu quy trình đăng ký nhãn hiệu đủ sớm, bất kỳ một ai khác có thể tiến hành đăng ký một nhãn hiệu giống hoặc tương tự. Điều này cuối cùng sẽ chặn đơn đăng ký nhãn hiệu của bạn.
Bằng cách trì hoãn việc tiến hành đăng ký nhãn hiệu, bạn có thể gây ra một loạt các vấn đề rất khó để khắc phục.
3. Không theo dõi sát sao quá trình thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu
Một lỗi nữa chúng tôi quan sát thấy là chủ đơn không theo dõi sát sao quá trình thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu sau khi đơn đã được tiếp nhận bởi Cục Sở hữu trí tuệ.
Thời gian đăng ký nhãn hiệu kéo dài khá lâu từ khi nộp đơn tới khi nhận được kết quả cuối cùng, thường kéo dài từ 2-3 năm. Trong quãng thời gian đó, đơn sẽ trải qua nhiều giai đoạn: thẩm định hình thức, công bố đơn, thẩm định nội dung và cấp giấy chứng nhận. Trong nhiều trường hợp, đơn đăng ký nhãn hiệu có thể gặp những thiếu sót về mặt hình thức như phân nhóm chưa chính xác, mô tả nhãn hiệu chưa đầy đủ, kích thước mẫu nhãn hiệu chưa đạt yêu cầu, …Các thiếu sót này hoàn toàn có thể khắc phục được, nhưng một số Chủ đơn không theo dõi đơn đăng ký nhãn hiệu một cách kỹ lưỡng và bỏ lỡ hạn chót để nộp công văn trả lời tới Cục Sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, nhiều Chủ đơn đã không được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chỉ vì không kịp thời nộp phí, lệ phí cấp văn bằng bảo hộ theo quy định. Xin lưu ý rằng, khi Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo dự định cấp văn bằng, người nộp đơn có thời hạn là 03 tháng để kịp thời đóng phí cấp bằng như đã nêu. Tuy nhiên, do không sát sao trong việc theo dõi đơn đăng ký nhãn hiệu mà nhiều Chủ đơn đã sao lãng thời hạn kể trên, khiến cho đơn bị ra quyết định từ chối vô cùng đáng tiếc.
Có thể nói, khi mọi người tự nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, nhiều đơn được cấp văn bằng bảo hộ, nhưng cũng không ít đơn gặp vấn đề và trục trặc như đã nêu. Giải pháp cho vấn đề này là doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ đăng ký nhãn hiệu của những đơn vị chuyên sâu như IPGO. Với một khoản chi phí vô cùng hợp lý, chúng tôi có thể giúp bạn theo dõi xuyên suốt quá trình thẩm định đơn và tư vấn nhiều vấn đề khác liên quan. Bạn sẽ có thể tập trung nguồn lực vào công việc kinh doanh thay vì phải đau đầu và tốn thời gian vào xử lý các vấn đề phát sinh liên quan tới đăng ký nhãn hiệu.
Mọi thông tin cần IPGO hỗ trợ thêm về dịch vụ đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam, Quý khách xin vui lòng liên hệ:
Điện thoại / Zalo: 0948622612
Email: banquyen14@gmail.com
Chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng một cách tận tình và chu đáo nhất.