Tư vấn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa chi tiết

IPGO là một trong những sự lựa chọn tối ưu cho khách hàng trong lĩnh vực tư vấn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ lưu ý Quý khách những vấn đề quan trọng trong quá trình đăng ký nhãn hiệu mà nhiều khách hàng thắc mắc.

Nên chú ý điều gì khi lựa chọn nhãn hiệu?

Quý khách nên lựa chọn một nhãn hiệu mới một cách cẩn thận. Về nguyên tắc, nhãn hiệu càng độc đáo và càng ít mô tả về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, thì khả năng được bảo hộ của nhãn hiệu đó càng cao.

Ví dụ: Đối với sản phẩm nước khoáng, nhãn hiệu “Thạch Bích” là nhãn hiệu mạnh hơn “Greenwater” vì “Thạch Bích” không mang tính mô tả sản phẩm trong khi “Greenwater” thì có (gợi liên tưởng cho người tiêu dùng về một loại nước có màu xanh).

Một lưu ý khác cũng quan trọng không kém, đó là không lựa chọn nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng hay đã được bảo hộ của người khác để gắn cho hàng hóa/dịch vụ tương tự như của bạn. Ví dụ, nếu bạn kinh doanh sản phẩm “Bột giặt”, không nên chọn những tên nhãn hiệu như “OMOI”, “OMOL” … vì tương tự với nhãn hiệu bột giặt “OMO” của UNILEVER N. V. trên thị trường.

Đăng ký nhãn hiệu có phải thủ tục bắt buộc ở Việt Nam không?

Đăng ký nhãn hiệu không phải là thủ tục bắt buộc ở Việt Nam đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng nhãn hiệu theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Tuy nhiên, đăng ký nhãn hiệu là thủ tục mà doanh nghiệp NÊN tiến hành càng sớm càng tốt để tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng đối với nhãn hiệu – “đứa con tinh thần” của doanh nghiệp.

Bởi lẽ, hiện nay Việt Nam đang áp dụng nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” (first-to-file) đối với quyền sở hữu công nghiệp. Bất kể Quý khách có là người đầu tiên sử dụng nhãn hiệu trên thị trường nhưng nếu nhãn hiệu đó không được đăng ký thì Quý khách cũng không được công nhận là chủ sở hữu của nhãn hiệu. Quý khách sẽ đối mặt với rủi ro mất quyền sử dụng nhãn hiệu, thậm chí bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu trong trường hợp người khác được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu trùng hay tương tự cho sản phẩm/dịch vụ cùng loại. Tới lúc ý thức được những thiệt hại đến từ việc không đăng ký nhãn hiệu, Quý khách sẽ thấy rằng việc “giành lại” nhãn hiệu là vô cùng phức tạp và tốn kém cả về thời gian, công sức, tiền bạc.

Những loại nhãn hiệu nào có thể không đăng ký được?

Nói chung, các nhãn hiệu có thể không đăng ký được là: các từ mang tính mô tả rõ ràng (ví dụ: nước “tinh khiết”) mà không đi kèm với bất kỳ thành phần phân biệt nào khác; các cụm từ gây hiểu nhầm, hiểu sai lệch về nguồn gốc, xuất xứ, tính năng, công dụng, giá trị hoặc đặc tính khác của sản phẩm (Ví dụ: Made in Germany – đối với hàng hóa sản xuất ngoài nước Đức); các cụm từ hoặc ký hiệu quá giống với nhãn hiệu hiện có; các thuật ngữ và ký hiệu bị cấm rõ ràng theo luật nhãn hiệu, v.v…

Có cần tiến hành tra cứu nhãn hiệu trước nộp đơn hay không?

Mặc dù không bắt buộc phải tra cứu nhãn hiệu trước nộp đơn, nhưng IPGO khuyên rằng Quý khách nên thực hiện tra cứu chuyên sâu trước khi gửi bất kỳ nhãn hiệu nào đi đăng ký hay sử dụng nó lần đầu tiên trên thị trường.

Việc tra cứu nhãn hiệu giúp xác định xem một nhãn hiệu đã được đăng ký bởi một chủ sở hữu nào khác hay chưa? Khả năng đăng ký thành công nhãn hiệu là bao nhiêu phần trăm? Trong quá trình theo đuổi đơn đăng ký (thường kéo dài hàng năm trời), có vấn đề nào sẽ phát sinh hay không? Từ đó, việc tra cứu nhãn hiệu có thể giúp bạn được cung cấp hướng dẫn sửa đổi nhãn hiệu nếu phát hiện ra xung đột.

Nên đăng ký nhãn hiệu màu sắc hay đen trắng?

Một số nhãn hiệu màu sắc và đen trắng

Quý khách có thể đăng ký nhãn hiệu của mình ở phiên bản có màu sắc hoặc phiên bản đen trắng. Ở phiên bản đen trắng tức là không có bất kỳ yêu cầu nào đối với màu sắc trong nhãn hiệu.

Nhìn chung, việc đăng ký nhãn hiệu của bạn ở dạng đen trắng cũng là một ý tưởng hay. Bằng cách đó, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể sử dụng linh hoạt nhãn hiệu theo bất cứ phương án màu sắc nào tùy vào từng hoàn cảnh. Như vậy, phạm vi bảo hộ nhãn hiệu đen trắng là rất rộng.

Tuy nhiên, nếu màu sắc trong nhãn hiệu mang đặc trưng khác biệt, độc đáo, thể hiện tinh thần, ý nghĩa của thương hiệu, gây ấn tượng trong tâm trí người tiêu dùng, thì đăng ký nhãn hiệu màu sắc là có phần ưu thế hơn. Chưa kể, màu sắc cũng là một cơ sở để đánh giá khả năng phân biệt giữa các nhãn hiệu tương tự với nhau. Từ đó giúp chủ sở hữu chống lại các hành vi cố tình sử dụng màu sắc nhãn hiệu tương tự để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Với những thông tin trên, Quý khách muốn đăng ký logo của mình ở dạng màu sắc hay ở dạng đen trắng? Điều đó tùy vào sự cân nhắc cho phù hợp với hoàn cảnh của từng doanh nghiệp. Nếu có đủ điều kiện, Doanh nghiệp có thể đăng ký nhãn hiệu cả ở phiên bản màu sắc và đen trắng để đạt được hiệu quả bảo hộ tối ưu nhất.

Nếu tôi dự định nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, tôi có nên thuê chuyên gia tư vấn không?

Làm việc với một chuyên gia tư vấn để đăng ký nhãn hiệu là một phương án được đa phần các cá nhân, tổ chức hiện nay lựa chọn. Mặc dù Cục Sở hữu trí tuệ không yêu cầu Người nộp đơn phải thông qua chuyên gia tư vấn, nhưng rõ ràng làm việc với chuyên gia sẽ giúp bạn những điều sau:

  • Tăng khả năng đăng ký thành công một cách vô cùng hiệu quả;
  • Thực hiện tra cứu nhãn hiệu một cách toàn diện để xem liệu nhãn hiệu mong muốn của bạn có thể tiềm ẩn xung đột với nhãn hiệu hiện có hay không;
  • Tư vấn xác định được phạm vi bảo hộ rộng nhất cho nhãn hiệu của bạn;
  • Đảm bảo quá trình đăng ký được diễn ra suôn sẻ, thuận lợi;
  • Tiết kiệm thời gian, sức lực để doanh nghiệp tập trung vào công việc kinh doanh thay vì phải tập trung vào quá trình nộp và theo đuổi đơn đăng ký nhãn hiệu.

Có gì đảm bảo rằng một đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ không bị từ chối không?

Câu trả lời là không có gì hoàn toàn đảm bảo 100% một đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ thành công và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Không phải đơn đăng ký nhãn hiệu nào cũng được cấp Giấy chứng nhận

Hai lý do chính khiến đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối là nhãn hiệu không mang tính phân biệt hoặc gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu khác. Một số tình huống khác có thể kể đến như: sau khi tra cứu đánh giá khả năng bảo hộ, chủ sở hữu nhãn hiệu chần chừ không đăng ký ngay làm bỏ lỡ mất ưu thế nộp đơn đầu tiên, hay đơn của người khác xin hưởng quyền ưu tiên, v.v…

Tuy nhiên, một khi chuyên gia tư vấn cho rằng nhãn hiệu của bạn có khả năng đăng ký thành công, nó sẽ khó bị từ chối hơn vì chuyên gia có thể đưa ra những lý lẽ, lập luận xác đáng nhằm phản đối lại dự định từ chối cấp văn bằng của Cục SHTT.

Quy trình đăng ký nhãn hiệu độc quyền bao gồm những bước nào?

Một cách sơ lược nhất, đăng ký nhãn hiệu độc quyền thường bao gồm các bước sau đây:

  • Tra cứu nhãn hiệu trước nộp đơn (bước này không bắt buộc nhưng NÊN thực hiện);
  • Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại một trong các địa điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ;
  • Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu;
  • Công bố đơn trên công báo sở hữu công nghiệp nếu đơn được chấp nhận hợp lệ về mặt hình thức. (Kể từ khi đơn được công bố, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền nêu ý kiến bằng văn bản gửi tới Cục SHTT về việc cấp hay không cấp văn bằng bảo hộ cho đơn đăng ký.)
  • Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu;
  • Cấp văn bằng bảo hộ nếu đơn đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ và Chủ đơn nộp lệ phí cấp văn bằng đầy đủ, đúng hạn.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực trong vòng bao lâu?

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có giá trị từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn. Có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.

Để được gia hạn, Chủ sở hữu nhãn hiệu cần tiến hành thủ tục gia hạn nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ trong vòng 06 tháng trước ngày hết hạn và đóng một khoản phí theo quy định. Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể nộp muộn hơn ngày hết hiệu lực nhưng không quá 06 tháng. Lệ phí thực hiện gia hạn còn tùy thuộc vào số nhóm sản phẩm/dịch vụ gắn với nhãn hiệu.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có giúp tôi được độc quyền nhãn hiệu ở các quốc gia khác không?

Câu trả lời đơn giản là không. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cấp bởi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chỉ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Mỗi quốc gia đều có luật lệ và quy trình riêng để xác lập quyền đối với nhãn hiệu. Do đó, nếu Quý khách muốn được độc quyền nhãn hiệu ở các quốc gia khác, cần phải tiến hành đăng ký nhãn hiệu ở quốc gia đó. Thủ tục đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài thường khá phức tạp và tốn kém.

Quyền sở hữu trí tuệ mang tính lãnh thổ, nghĩa là chúng chỉ được bảo hộ trong lãnh thổ một nước hoặc một khu vực

Tuy nhiên, nếu bạn kinh doanh hàng hóa/dịch vụ ở các quốc gia khác, thì hãy cân nhắc đăng ký nhãn hiệu ở quốc gia đó càng sớm càng tốt để việc kinh doanh được diễn ra suôn sẻ.

Trên đây là những thông tin rất thiết thực và căn bản về vấn đề tư vấn đăng ký nhãn hiệu mà doanh nghiệp cần nắm được trước khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu. IPGO rất vui lòng được chia sẻ, tháo gỡ những thắc mắc thường gặp nhất về đăng ký nhãn hiệu cho các khách hàng.