Các hình thức bảo hộ bao bì sản phẩm

Bảo hộ bao bì sản phẩm hiện là một vấn đề được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Bởi lẽ, hiện nay, ngoài việc chú ý tới chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cũng không ngừng cải tiến mẫu mã, hình dáng bên ngoài để sản phẩm thêm bắt mắt, gây ấn tượng với người tiêu dùng. Bạn đã biết có những hình thức đăng ký nào để được Nhà nước bảo hộ bao bì sản phẩm hay chưa? Thủ tục, hồ sơ đăng ký của từng hình thức như thế nào? Dưới đây là những thông tin bạn không thể bỏ qua.

Hình thức bảo hộ bao bì sản phẩm

Bao bì là vẻ ngoài của sản phẩm với sự kết hợp bởi hình ảnh, màu sắc, từ ngữ … nhằm chứa đựng, bao bọc hàng hóa cũng như nâng cao sức mua trên thị trường. Nhiều người sử dụng cụm từ “bảo hộ bao bì sản phẩm” với ý nghĩa tìm kiếm một sự bảo hộ từ Nhà nước đối với quyền sáng tạo, sở hữu bao bì của mình.

Trên thực tế, để phòng tránh và chống lại sự sao chép từ các đối thủ cạnh tranh, không chỉ có một mà có tới ba hình thức đăng ký bảo hộ bao bì sản phẩm như sau:

  • Đăng ký bảo hộ bao bì sản phẩm dưới hình thức độc quyền nhãn hiệu;
  • Đăng ký bảo hộ bao bì sản phẩm dưới hình thức độc quyền kiểu dáng công nghiệp;
  • Đăng ký bảo hộ bao bì sản phẩm dưới hình thức bản quyền tác phẩm mỹ thuật ứng dụng

Mỗi hình thức đều có những đặc điểm khác nhau để doanh nghiệp lựa chọn cho phù hợp nhất với nhu cầu thực tế.

Bảo hộ bao bì sản phẩm ở đâu?

Việc đăng ký bảo hộ bao bì sản phẩm ở đâu sẽ phụ thuộc vào việc cá nhân, tổ chức lựa chọn hình thức nào để đăng ký. Cụ thể như sau:

  • Nếu đăng ký bảo hộ bao bì sản phẩm dưới hình thức đăng ký độc quyền nhãn hiệu hoặc đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp: nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Cục Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam

TP.Hà Nội: 384 – 386, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội – Điện thoại: (024) 3858 3069

TP.Hồ Chí Minh: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 – 19 Tôn Thất Tùng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh – Điện thoại : (028) 3920 8483 – 3920 8485 

TP.Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng – Điện thoại: 0236.3889955

Nếu đăng ký bảo hộ bao bì sản phẩm dưới hình thức đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng: Nộp đơn tại Cục bản quyền tác giả.

Cục Bản Quyền Tác Giả

TP.Hà Nội: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội – Điện thoại: 024 38 234 304

TP.Hồ Chí Minh: 170 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh – Điện thoại: 028 39 308 086

TP.Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng – Điện thoại: 023 63 606 967

Hình thức đăng ký bảo hộ bao bì sản phẩm

a) Bảo hộ bao bì sản phẩm dưới dạng nhãn hiệu

Độc quyền nhãn hiệu không chỉ bảo vệ một tên thương hiệu. Nhãn hiệu có thể là một công cụ hữu ích để bảo vệ các khía cạnh khác của bao bì chẳng hạn như từ ngữ được sử dụng trên nó, hoặc một số thiết kế hoặc ký tự nhất định mà bạn có thể chọn sử dụng.

Nhãn hiệu cũng có thể được sử dụng trong một số trường hợp nhất định để bảo vệ hình dạng hoặc đường viền của một sản phẩm hoặc bao bì sản phẩm nhất định.

Nhãn hiệu cung cấp sự bảo vệ đáng kể chống lại việc sao chép và nếu bạn đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thì việc chứng minh công ty khác đang vi phạm các quyền của bạn sẽ dễ dàng hơn.

Một ưu điểm vượt trội khi đăng ký bảo hộ bao bì sản phẩm dưới hình thức độc quyền nhãn hiệu là thời hạn bảo hộ có thể kéo dài mãi mãi miễn là văn bằng bảo hộ được gia hạn đúng hạn. Cụ thể, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm (theo Khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009). Trong khi đó, thời hạn bảo hộ kiểu dáng bao bì tại Việt Nam chỉ có thể kéo dài tối đa là 15 năm nếu gia hạn hai lần liên tiếp.

Lưu ý: Không giống với các bao bì, logo nhãn hiệu thông thường chỉ gồm một vài từ ngữ, cụm từ, khẩu hiệu, chữ số, hình vẽ, màu sắc hoặc sự kết hợp giữa các yếu tố trên. Nhưng đặc thù của bao bì là thường chứa đựng nhiều thông tin, hình ảnh, màu sắc, … gây khó khăn cho việc đăng ký nhãn hiệu. Theo quy định, mẫu nhãn hiệu phải được trình bày rõ ràng với kích thước của mỗi chiều không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8mm. Với kích thước yêu cầu như vậy, những chi tiết nhỏ trên bao bì sẽ khó hiển thị sắc nét trên mẫu nhãn hiệu đăng ký. Do đó, khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho bao bì sản phẩm, bạn cần loại bỏ các thông tin không quá quan trọng như: thành phần, công dụng, cách dùng, số điện thoại, hạn sử dụng, mã số mã vạch …

b) Bảo hộ bao bì sản phẩm dưới dạng kiểu dáng công nghiệp

Về bản chất, kiểu dáng của một sản phẩm liên quan đến hình thức bên ngoài của nó, hơn là bất kỳ khía cạnh kỹ thuật nào của chức năng hoặc hoạt động của nó. Kiểu dáng được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau, từ kiểu dáng công nghiệp, thiết kế sản phẩm và quan trọng là thiết kế bao bì.

Để có thể được bảo hộ, một thiết kế phải đáp ứng ba tiêu chí. Nó phải có “tính mới”, tức là không được tồn tại một thiết kế giống hệt nào khác; phải có “tính sáng tạo” ở chỗ nó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng; và phải có “khả năng áp dụng công nghiệp”, nghĩa là có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt các sản phẩm có hình dáng công nghiệp là kiểu dáng công nghiệp đó.

Những khía cạnh nào của bao bì có thể được bảo hộ dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp?

Có một định nghĩa rất rộng về những gì có thể đăng ký như một kiểu dáng và nó không cần phải là toàn bộ sản phẩm, nó có thể chỉ là một phần cụ thể. Các đặc điểm có thể được bảo hộ bao gồm:

  • Bao bì sản phẩm nói chung;
  • Đường nét và hình dạng của sản phẩm;
  • Màu sắc và hoa văn;
  • Kết cấu và / hoặc trang trí

Một hoặc tất cả các yếu tố này có thể được bảo hộ dưới dạng kiểu dáng công nghiệp với điều kiện là nó đáp ứng ba tiêu chí nêu ở trên. Điều này thật tuyệt vì nó có nghĩa là bất cứ thứ gì làm cho bao bì của bạn trở nên nổi bật đều có khả năng được Nhà nước bảo hộ.

Đăng ký kiểu dáng so với nhãn hiệu – tôi nên chọn cái nào để bảo hộ bao bì sản phẩm?

Mặc dù có một số điểm trùng lặp giữa việc đăng ký kiểu dáng và nhãn hiệu, các yếu tố của sản phẩm mà hai hình thức có thể bảo hộ là khác nhau và mỗi yếu tố đều có những ưu hay nhược điểm riêng.

Bảo hộ bao bì sản phẩm dưới dạng kiểu dáng rõ ràng không thể bảo hộ từ ngữ giống như dưới dạng nhãn hiệu. Ngoài ra, nếu hình dạng hoặc hoa văn của hàng hóa được quy định bởi chức năng của nó và nó là thứ mang lại giá trị cho hàng hóa, thì nó không thể là một nhãn hiệu.

Ví dụ, đối với một thanh sô-cô-la, đăng ký nhãn hiệu sẽ phù hợp hơn để bảo vệ tên thương hiệu và bất kỳ logo nào của sản phẩm. Mặt khác, việc đăng ký kiểu dáng có thể phù hợp hơn trong việc bảo vệ “diện mạo”, “phong cách” và thiết kế của bao bì.

c) Bảo hộ bao bì sản phẩm dưới dạng bản quyền tác giả

Đăng ký bản quyền bao bì là thủ tục yêu cầu Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho thiết kế bên ngoài để bao gói sản phẩm. Trong trường hợp này, chủ sở hữu sẽ đăng ký bản quyền bao bì dưới hình thức tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Bảo hộ bao bì sản phẩm dưới dạng bản quyền cũng có những lợi thế nhất định so với hình thức đăng ký nhãn hiệu khi thực thi quyền. Đối với một hành vi vi phạm quyền giữa hai thiết kế bao bì giống nhau, không cần phải cho thấy “khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng” – một sự phân tích nhiều yếu tố đôi khi thường gây tranh cãi. Luật bản quyền chỉ quan tâm đến việc liệu bị đơn có sao chép nguyên đơn hay không, thường được xác định bằng cách kiểm tra xem các tác phẩm có giống hệt hoặc tương tự về cơ bản hay không.

Hơn nữa, thời gian để cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho bao bì của bạn cũng kéo dài nhanh hơn rất nhiều so với thời gian cấp văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hay kiểu dáng công nghiệp. Đăng ký bản quyền bao bì thường chỉ mất khoảng 1-2 tháng để nhận được kết quả, thay vì phải chờ đợi thậm chí 2-3 năm như hai hình thức còn lại. Việc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả một cách nhanh chóng khiến cho chủ sở hữu bao bì sản phẩm có cơ sở pháp lý trong tay để tức thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sao chép nguyên văn mẫu mã sản phẩm.

Tuy nhiên, luật bản quyền không bảo vệ các yếu tố chức năng mà chỉ bảo vệ sự thể hiện của một ý tưởng chứ không phải bản thân ý tưởng đó. Vì vậy, bạn có thể bảo vệ bản quyền đối với “bức vẽ cảnh đồng lúa xanh” cụ thể xuất hiện trên bao bì của mình, nhưng bạn không thể sở hữu quyền tác giả đối với ý tưởng chung về cảnh đồng lúa xuất hiện trên bao bì. Do đó, nó là một biện pháp bảo vệ giới hạn chỉ dành cho một số nhãn hàng hóa và mặt hàng.

Bằng cách sử dụng các công cụ pháp lý nêu trên, các chủ doanh nghiệp có thể đề ra chiến lược để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với bao bì sản phẩm của mình một cách hợp lý, từ đó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia có kinh nghiệm về Sở hữu trí tuệ để xác định hình thức bảo hộ bao bì sản phẩm nào sẽ phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp của bạn.