Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là loại giấy tờ pháp lý cần thiết giúp doanh nghiệp yên tâm kinh doanh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình đối với nhãn hiệu. Hãy cùng IPGO tìm hiểu một số khía cạnh quan trọng nhất về Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong bài viết dưới đây.

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là gì?

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là một loại chứng từ pháp lý được Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho Chủ sở hữu của một nhãn hiệu nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp của họ đối với nhãn hiệu. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu bao gồm các quyền như sau:

  • Ngăn cấm các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu;
  • Định đoạt nhãn hiệu (gồm chuyển nhượng, chuyển giao quyền cho bên khác sở hữu và sử dụng nhãn hiệu);
  • Sử dụng và cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu.

Như vậy, dù bạn đang có công việc kinh doanh hay đang chuẩn bị thành lập doanh nghiệp, hãy ngay lập tức cân nhắc tới việc đăng ký nhãn hiệu. Bởi việc sở hữu Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu càng sớm càng tốt sẽ giúp bạn phòng tránh sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, bảo vệ tốt thương hiệu cũng như đảm bảo bạn đang không vô tình xâm phạm nhãn hiệu của bất kỳ một bên thứ ba nào.

Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. Trình tự các bước tiến hành được trình bày như dưới đây:

Bước 1: Tra cứu nhãn hiệu trước khi nộp đơn

Khi đã có mẫu nhãn hiệu dự định đăng ký bảo hộ, bạn có thể tiến hành tra cứu nhãn hiệu trước nộp đơn. Việc tra cứu nhãn hiệu trước nộp đơn là một công đoạn không bắt buộc, nhưng IPGO luôn cho rằng đây là công đoạn vô cùng quan trọng không nên bỏ qua. Bởi mục đích của việc tra cứu nhãn hiệu là nhằm đánh giá nhãn hiệu có đáp ứng các điều kiện bảo hộ hay không? Khả năng nhãn hiệu được bảo hộ là bao nhiêu phần trăm? Trong quá trình nộp đơn đăng ký có gặp phải trở ngại nào không?

Trên thực tế, không phải nhãn hiệu nào nộp đơn đăng ký cũng được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận cấp Giấy chứng nhận. Tình trạng các nhãn hiệu đăng ký sau trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu của người khác đăng ký trước là hết sức phổ biến, dẫn tới số lượng nhãn hiệu bị từ chối vô cùng nhiều.

Vì vậy, việc tra cứu nhãn hiệu ngay từ đầu giúp doanh nghiệp biết được liệu nhãn hiệu có khả năng đăng ký thành công hay không thay vì mất tiền bạc và thời gian chờ đợi (hàng năm trời) một cách vô ích.

Trong trường hợp kết quả tra cứu cho thấy nhãn hiệu dự định đăng ký của bạn đã trùng/tương tự với nhãn hiệu của doanh nghiệp/cá nhân khác trong cùng lĩnh vực, bạn cũng biết được để có phương án thay đổi nhãn hiệu của mình, tránh được việc dồn lực đầu tư vào một nhãn hiệu nhưng lại vô tình xâm phạm quyền của người khác.

Bước 2: Chuẩn bị đơn đăng ký

Người nộp đơn cần tiến hành chuẩn bị đơn đăng ký nhãn hiệu với các tài liệu tối thiểu như sau:

  • 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu (theo mẫu số: 04-NH Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN), trong đó:

Phần mô tả nhãn hiệu phải làm rõ được các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu nếu có; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ đó phải được phiên âm; nhãn hiệu có từ, ngữ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt. Nếu nhãn hiệu có chứa chữ số không phải là chữ số ả-rập hoặc la-mã thì phải dịch ra chữ số ả-rập; phần Danh mục các hàng hoá/dịch vụ trong tờ khai phải được phân nhóm phù hợp với bảng phân loại quốc tế về hàng hoá, dịch vụ (theo Thoả ước Nice lần thứ 11);

  • 05 Mẫu nhãn hiệu kèm theo (kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8mm);
  • Chứng từ nộp phí, lệ phí;
  • Tài liệu liên quan khác (nếu cần thiết).

Bước 3: Nộp đơn đăng ký

Sau khi đã chuẩn bị đơn đăng ký nhãn hiệu, bạn thực hiện nộp đơn đăng ký nhãn hiệu và nộp phí, lệ phí đăng ký nhãn hiệu tại một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ ở Hà Nội, Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng.

Bước 4: Thẩm định hình thức

Trong thời hạn 1-2 tháng kể từ ngày nộp đơn (được ghi nhận trên Tờ khai đăng ký nhãn hiệu), Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thẩm định hình thức đơn. Đơn hợp lệ sẽ tiếp tục được xem xét, đơn không hợp lệ sẽ bị từ chối.

Trong giai đoạn này Cục Sở hữu trí tuệ mới chỉ xét đến sự hợp lệ về mặt hồ sơ (ví dụ: đầy đủ tài liệu cần thiết hay chưa, mẫu nhãn hiệu có đủ rõ nét với kích thước theo quy định hay không, phân loại hàng hóa/dịch vụ mang nhãn có phù hợp theo Bảng phân loại Ni-xơ hiện hành, …) chứ chưa xem xét gì đến yêu cầu bảo hộ.

Nếu đơn đã hợp lệ về mặt hình thức, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Nếu đơn chưa hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo thiếu sót. Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký công văn, Người nộp đơn cần sửa chữa các thiếu sót đã nêu. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì Cục SHTT sẽ chính thức từ chối chấp nhận đơn.

Bước 5: Công bố đơn

Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ, Cục SHTT sẽ công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp. Công báo SHCN được đăng tải công khai trên website chính thức của Cục SHTT để bất cứ ai cũng có thể tìm đọc.

Kể từ khi đơn được công bố, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền nêu ý kiến bằng văn bản gửi tới Cục SHTT về việc cấp hay không cấp văn bằng bảo hộ cho đơn đăng ký. Ý kiến của bên thứ ba phải dẫn kèm tài liệu, thông tin để chứng minh.

Bước 6: Thẩm định nội dung

Thẩm định nội dung là giai đoạn xác định xem nhãn hiệu nộp theo đơn có đáp ứng các điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật hay không. Cụ thể là nhãn hiệu có thuộc đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu không, có khả năng phân biệt so với các nhãn hiệu đã đăng ký trước hay không.

Đây chính là giai đoạn kéo dài thời gian nhất trong toàn bộ quy trình xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, thực tế có thể kéo dài lên tới hơn 20 tháng. Kết thúc giai đoạn này, sẽ có hai trường hợp xảy ra:

  • Nếu nhãn hiệu đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, Cục SHTT sẽ ra Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ và đề nghị người nộp đơn nộp các khoản phí, lệ phí cấp văn bằng, đăng bạ và công bố. Người nộp đơn có thời hạn là 03 tháng kể từ ngày đề trên thông báo để thực hiện việc nộp phí theo quy định.
  • Nếu nhãn hiệu không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, Cục SHTT sẽ ra Thông báo dự định từ chối cấp, nêu rõ lý do vì sao nhãn hiệu không đáp ứng điều kiện bảo hộ. Cục SHTT sẽ ấn định thời gian 03 tháng kể từ ngày đề trên công văn để Người nộp đơn có ý kiến phản đối về việc từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Hết thời gian nêu trên, nếu Người nộp đơn không phúc đáp hoặc phúc đáp không xác đáng, Cục SHTT sẽ chính thức ra Quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ngược lại, nếu Cục SHTT đồng thuận với những ý kiến mà Người nộp đơn đưa ra, Cục SHTT sẽ ra Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ.

Bước 7: Cấp văn bằng bảo hộ

Trong thời hạn khoảng 01 tháng kể từ ngày Chủ đơn nộp phí, lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu một cách đầy đủ và đúng hạn, Cục SHTT sẽ tiến hành thủ tục cấp văn bằng bảo hộ. Trong trường hợp Chủ đơn không đóng lệ phí, Cục SHTT sẽ ra Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

Thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam có lâu không?

Thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam thường kéo dài 24-36 tháng kể từ khi đơn được nộp nếu nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện bảo hộ.

Theo quy định pháp luật, thời gian này ngắn hơn rất nhiều (khoảng 1 năm) nhưng thực tế không đáp ứng được điều đó. Bởi số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu ngày càng gia tăng qua mỗi năm trong khi nhân lực xử lý đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ lại có hạn.

Tuy nhiên, những Người nộp đơn cũng không nên quá lo lắng về thời gian thẩm định lâu, bởi hiện tại Việt Nam áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (“first to file”) đối với bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Điều này có nghĩa rằng pháp luật chỉ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số các đơn đáp ứng điều kiện bảo hộ. Vì vậy, bạn không cần e ngại những đơn vị khác cố tình “bắt chước” nhưng nộp đơn đăng ký sau. Điều quan trọng bạn cần chú ý là nộp đơn càng sớm càng tốt để tận dụng triệt để được ưu thế của nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên”.

Ngoài ra, do thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu kéo dài khá lâu, bạn cũng cần hết sức cẩn trọng trong việc kịp thời theo dõi các Thông báo từ Cục Sở hữu trí tuệ liên quan tới đơn của mình trong suốt thời gian thẩm định. Việc thất lạc Thông báo và không kịp thời trả lời, xử lý các Thông báo có thể khiến đơn yêu cầu cấp giấy chứng nhận của bạn bị từ chối một cách rất đáng tiếc.

Nếu không có khả năng chuyên trách theo dõi đơn đăng ký nhãn hiệu, bạn có thể liên hệ với IPGO để hỗ trợ bạn từ thời điểm bắt đầu đăng ký tới khi nhận tận tay Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Mẫu Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm. Việc gia hạn phải được thực hiện trong vòng 06 tháng trước khi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực. Đơn yêu cầu gia hạn có thể được nộp muộn nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực. Ngoài lệ phí gia hạn như thông thường, Chủ đơn gia hạn muộn phải nộp thêm 10% lệ phí gia hạn cho mỗi tháng nộp muộn.

Xin lưu ý rằng, số lần gia hạn là không giới hạn. Như vậy, nếu bạn kịp thời gia hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trước mỗi kỳ hết hạn thì Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của bạn có thể kéo dài hiệu lực mãi mãi.

 

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể bị chấm dứt hiệu lực theo yêu cầu của người khác trong trường hợp (i) chủ sở hữu nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp hoặc (ii) nhãn hiệu không được sử dụng trong thời hạn 5 năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực.

 

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực theo yêu cầu của người khác. Cụ thể:

Trường hợp hủy bỏ toàn bộ hiệu lực khi:

  • Chủ đơn không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký;
  • Nhãn hiệu không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ tại thời điểm được cấp văn bằng bảo hộ

Trường hợp hủy bỏ một phần hiệu lực khi:

  • Một phần đó không đáp ứng điều kiện bảo hộ

(Nhãn hiệu là một tập hợp cấu thành bởi nhiều yếu tố khác nhau (ví dụ: phần chữ, phần hình). Khi một trong các yếu tố này không đáp ứng điều kiện bảo hộ thì phần đó có thể bị hủy bỏ hiệu lực.)

5. IPGO – Đơn vị uy tín thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

IPGO có kinh nghiệm chuyên sâu hỗ trợ khách hàng lấy Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

 

Như Quý khách có thể thấy, việc sở hữu Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là hoàn toàn cần thiết và vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Nhưng hành trình để cầm được tấm Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trên tay cũng không ít phức tạp và gian nan, có thể dễ làm nản lòng bất cứ ai. Bởi thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có một số đặc điểm như: đòi hỏi chuyên môn cao trong công tác tra cứu, đánh giá khả năng bảo hộ trước nộp đơn, chuẩn bị hồ sơ hợp lệ về mặt hình thức, làm việc với cơ quan chức năng có thẩm quyền, theo dõi xử lý hồ sơ trong thời gian hàng năm trời, giải quyết phản đối từ bên thứ ba (nếu có) … Do đó, nhiều tổ chức, cá nhân không chuyên đã không thành công trong việc tự xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu của mình.

Vì lẽ đó, hầu hết các doanh nghiệp đã tìm đến dịch vụ đăng ký nhãn hiệu chuyên nghiệp do các đơn vị tư vấn uy tín như IPGO cung cấp. IPGO đã có kinh nghiệm tư vấn, giúp đỡ hàng ngàn khách hàng lấy được Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu với mức chi phí hợp lý nhất. Ngay khi Quý khách có nhu cầu xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, đừng ngần ngại liên hệ với IPGO để được hỗ trợ tận tình và hiệu quả.