Quy trình đăng ký bản quyền phần mềm máy tính

Bạn có nghĩ rằng cần đăng ký bản quyền để xác lập quyền đối với tác phẩm của mình ở Việt Nam hay không? Về mặt kỹ thuật, câu trả lời là không. Bản quyền là một quyền tự động, có nghĩa là tác giả hoặc người sáng tạo được hưởng quyền ngay sau khi công việc ban đầu được hoàn thành dưới một hình thức vật chất hữu hình. Dù vậy, Việt Nam vẫn thực hiện chính sách đăng ký quyền tác giả một cách tự nguyện. Bằng cách hoàn thành thủ tục đăng ký, bạn sẽ được cấp một Giấy chứng nhận có thể dùng như bằng chứng về quyền sở hữu của bạn đối với tác phẩm. Từ đó gánh nặng về việc cung cấp bằng chứng chứng minh quyền tác giả sẽ được giảm bớt đáng kể nếu phát sinh tranh chấp. Đối với phần mềm (chương trình máy tính), các cá nhân, tổ chức hẳn phải mất nhiều thời gian, công sức, chất xám để sáng tạo. Vậy cách phòng tránh và đối phó tốt nhất đối với những hành vi xâm phạm có thể xảy ra là tiến hành đăng ký bản quyền phần mềm máy tính.

Phần mềm máy tính là gì?

Phần mềm máy tính thường được hiểu là một tập hợp các chương trình máy tính, thư viện và dữ liệu liên quan. Trong đó, chương trình máy tính là tập hợp các câu lệnh hoặc chỉ thị được viết bằng một hay nhiều ngôn ngữ lập trình nhằm hướng dẫn cho máy tính biết cách thực hiện nhiệm vụ, chức năng hoặc giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó.

Không có phần mềm, hầu hết hoạt động của máy tính sẽ trở nên vô nghĩa. Ví dụ, không có phần mềm soạn thảo văn bản (ví dụ: Microsoft Office), dân văn phòng sẽ không thể nào thực hiện các thao tác đối với văn bản trên máy tính như soạn thảo, điều chỉnh font chữ, định dạng, căn chỉnh văn bản…

Đăng ký bản quyền phần mềm máy tính chính là việc cá nhân, tổ chức nộp một bộ hồ sơ tới Cục Bản Quyền tác giả để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với chương trình máy tính mà mình đã sáng tạo ra.

Quy trình đăng ký bản quyền phần mềm máy tính

Quy trình đăng ký bản quyền phần mềm máy tính bao gồm các bước cơ bản sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký

Đây là bước quan trọng, yêu cầu sự đầy đủ và chính xác để quá trình đăng ký bản quyền phần mềm được diễn ra thuận lợi và suôn sẻ nhất.

Hồ sơ đăng ký bản quyền phần mềm máy tính bao gồm các thành phần như sau:

– Tờ khai đăng ký quyền tác giả theo mẫu (Quý khách có thể download mẫu tờ khai trên website của Cục Bản quyền tác giả tại đây ).

Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; tóm tắt nội dung tác phẩm, thời gian hoàn thành phần mềm (thông tin này rất quan trọng để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong tương lai), đã công bố hay chưa, ngày công bố, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.

– 02 bản in nội dung phần mềm (bao gồm code, giao diện trang chủ và trang chuyên mục (nếu có)) được đóng thành quyển, có đánh số trang và dấu giáp lai hoặc chữ ký của chủ sở hữu quyền tác giả;

– 02 bản đĩa CD chứa nội dung phần mềm (bao gồm code, giao diện trang chủ và trang chuyên mục (nếu có);

– Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được ủy quyền;

– Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ, nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;

– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

Ngoài các tài liệu trên, Quý khách cần cung cấp thêm các tài liệu sau:

  • Bản sao Giấy chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu của tất cả các tác giả;
  • Giấy cam đoan của tác giả về tính trung thực trong quá trình tạo ra phần mềm;
  • Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trong trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả là pháp nhân);
  • Quyết định giao việc trong trường hợp chủ sở hữu đăng ký là pháp nhân.

* Các tài liệu nêu trên phải được làm bằng tiếng Việt. Nếu làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng/chứng thực.

Bước 2: Nộp hồ sơ

(trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) tới Cục Bản quyền tác giả

Bước 3: Chờ nhận kết quả

Từ Cục bản quyền tác giả.

Theo quy định, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả sẽ giải quyết xong hồ sơ (chấp thuận hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả). Tuy nhiên, thông thường, thời gian có thể kéo dài 30-45 ngày, phụ thuộc vào số lượng đơn mà Cục Bản quyền tác giả đang tiếp nhận hoặc đang xử lý tại thời điểm nộp đơn.

Dịch vụ đăng ký bản quyền phần mềm máy tính

Cần tìm dịch vụ đăng ký bản quyền phần mềm máy tính uy tín, chất lượng? Hãy liên hệ với IPGO để được hỗ trợ

IPGO chuyên cung cấp dịch vụ trọn gói đăng ký bản quyền đăng ký bản quyền phần mềm máy tính  cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Đến với IPGO, Quý khách sẽ được triển khai các hoạt động:

– Tư vấn đầy đủ về thủ tục, hồ sơ, thời gian cho việc đăng ký bản quyền tác giả;

– Cung cấp và hoàn thiện toàn bộ các form mẫu cần thiết, khách hàng chỉ việc ký, đóng dấu;

– Thay mặt cho khách hàng làm việc, giao dịch trực tiếp với Cục bản quyền tác giả;

– Thay mặt cho khách hàng theo dõi quá trình xử lý hồ sơ;

– Nhận Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả và bàn giao đến tận tay khách hàng;

Hi vọng những nội dung chúng tôi chia sẻ về Quy trình đăng ký bản quyền phần mềm máy tính hữu ích với Quý khách.