10 điều cần biết khi đăng ký nhãn hiệu mới 2021

Đăng ký nhãn hiệu là thủ tục pháp lý vô cùng quan trọng mà doanh nghiệp của bạn phải biết để yên tâm hoạt động. IPGO là đơn vị uy tín và giàu kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ đăng ký nhãn hiệu. Hãy cùng Công ty IPGO tìm hiểu về thủ tục đăng ký nhãn hiệu thông qua 10 câu hỏi dưới đây.

1. Nhãn hiệu là gì, cho ví dụ?

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dấu hiệu ấy có thể dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

Một số ví dụ về nhãn hiệu

Ví dụ giải thích về thuật ngữ nhãn hiệu:

Chẳng hạn, bạn là một khách hàng có nhu cầu mua điện thoại di động tại cửa hàng Điện Máy Xanh. Khi bạn bước vào cửa hàng, trước mặt bạn trưng bày rất nhiều loại điện thoại với nhiều màu sắc, hình dáng, chủng loại, kích thước. Vậy làm cách nào để bạn có thể phân biệt được điện thoại của các nhà sản xuất khác nhau? Điều này trở nên rất dễ dàng khi bạn nhìn vào dấu hiệu gắn trên mỗi chiếc điện thoại. Chẳng hạn, nhìn logo hình quả táo cắn dở, bạn biết đó là chiếc điện thoại Iphone của Apple; nhìn dòng chữ “SAMSUNG”, bạn biết đó là chiếc điện thoại của công ty điện tử Samsung hay tương tự với điện thoại Sony, Oppo, Motorola, Vsmart, v.v…

Như vậy, có thể thấy, trên thị trường có rất nhiều công ty cùng sản xuất, kinh doanh một loại hàng hóa nhất định. Ví dụ:

• Sản xuất điện thoại: Apple, Samsung, Sony, Oppo, Motorola, …

• Sản xuất kem đánh răng: Colgate, Aquafresh, Sensodyne, P/S, …

• Sản xuất bỉm cho trẻ em: Merries, Pamper, Bobby, Huggies, …

Đồng thời, một doanh nghiệp cũng có thể sở hữu một hay nhiều nhãn hiệu tương ứng với từng loại sản phẩm của mình.

Ví dụ:

• Hãng Honda sở hữu một số nhãn hiệu gắn với sản phẩm xe máy như: Dream, Wave, Lead, Spacy, SH, AirBlade…

• Công ty Unilever chuyên về các sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình và thực phẩm sở hữu rất nhiều nhãn hiệu “quen mặt” với người nội trợ Việt Nam như: Clear, Pond’s, OMO, P/S, Knorr, Lipton, Sunlight, Lifebuoy, Sunsilk, VIM, Rexona …

2. Đăng ký nhãn hiệu là gì?

Đăng ký nhãn hiệu là một thủ tục hành chính được thực hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ nhằm xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu.

Nếu nhãn hiệu đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, Chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và có các quyền như sau:

– Độc quyền sử dụng nhãn hiệu cho hàng hóa/dịch vụ của mình; và

– Ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu trùng hay tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ của mình

Tuy nhiên, không phải nhãn hiệu nào đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ cũng được cấp văn bằng bảo hộ. Chỉ những nhãn hiệu đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ theo quy định thì mới được cơ quan nhà nước chấp thuận cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Do đó, Quý doanh nghiệp rất cần lưu ý tới khả năng đăng ký thành công của nhãn hiệu trước khi quyết định nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.

3. Đăng ký nhãn hiệu để làm gì?

Đăng ký nhãn hiệu không phải là một thủ tục hành chính bắt buộc đối với cá nhân, tổ chức sử dụng nhãn hiệu. Chính vì không bắt buộc nên rất nhiều doanh nghiệp đã lơ là việc đăng ký nhãn hiệu và phải trả một cái giá không hề dễ chịu một chút nào.

Dưới quan điểm của chuyên gia đã hành nghề đăng ký nhãn hiệu lâu năm, chúng tôi vô cùng khuyến khích doanh nghiệp tiến hành thủ tục đăng ký nhãn hiệu vì lợi ích thiết thân của chính mình.

Vì sao phải đăng ký nhãn hiệu?

Không sai khi nói rằng, rất khó lòng để cản trở người khác sử dụng nhãn hiệu của bạn nếu bạn không đăng ký nhãn hiệu của mình.

Hãy tưởng tượng thế này. Khi doanh nghiệp của bạn phát triển, đồng nghĩa với việc tên tuổi sản phẩm của bạn cũng được nâng cao trên thị trường. Dĩ nhiên, trước đó bạn đã đầu tư rất nhiều nguồn lực vào nhãn hiệu gắn với sản phẩm: chi phí xây dựng logo – bộ nhận diện thương hiệu, chi phí marketing, chi phí quảng cáo, … và cả những chi phí không thể đo đếm bằng tiền bạc như thời gian, tâm huyết, chất xám, công sức. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra khi một ai đó muốn “lợi dụng” tên tuổi đó? Họ bắt đầu sử dụng tên hay hình ảnh nhãn hiệu của bạn (trùng hoàn toàn hoặc tương tự), và khách hàng của bạn bắt đầu không phân biệt được ai với ai cả. Hoặc tệ hơn, họ bắt đầu bán các sản phẩm kém chất lượng sử dụng nhãn hiệu của bạn, phá vỡ uy tín mà bạn đã rất nỗ lực và vất vả để gây dựng.

Nhưng điều đó còn chưa tồi tệ bằng việc một ai đó đăng ký nhãn hiệu của bạn và giành được quyền sở hữu nhãn hiệu đó. Từ một doanh nghiệp làm ăn chân chính, bạn trở thành đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Và “cuộc chiến” để đòi lại nhãn hiệu đã mất là vô cùng gian nan và vất vả, thậm chí trong một số trường hợp là không thể do Việt Nam hiện đang áp dụng nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” đối với quyền sở hữu công nghiệp.

Trên đây chỉ là một trong số ít những lý do quan trọng mà bạn nên tiến hành đăng ký nhãn hiệu ngay lập tức. Hãy hành động ngay vì đăng ký nhãn hiệu chỉ tốn một khoản chi phí nhỏ, không là gì so với cái giá phải trả khi bạn không đăng ký nhãn hiệu.

4. Đăng ký nhãn hiệu độc quyền ở đâu?

Đăng ký nhãn hiệu độc quyền ở Việt Nam có thể được tiến hành tại: (i) Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tại Hà Nội; (ii) Văn phòng đại diện Cục SHTT tại thành phố Hồ Chí Minh & (iii) Văn phòng đại diện Cục SHTT tại thành phố Đà Nẵng. Thông tin cụ thể như sau:

• CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Địa chỉ: 384-386, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Tổng đài: (04) 3858 3069, (04) 3858 3425, (04) 3858 3793, (04) 3858 5156.

Email: congnghethongtin@ipvietnam.gov.vn , vietnamipo@ipvietnam.gov.vn

• VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 – 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 3920 8483 – 3920 8485 Fax: (028) 3920 8486

Email: vanphong2@noip.gov.vn

• VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0236.3889955; Fax: 0236.3889977

Email: vanphong3@noip.gov.vn

Hoặc nếu Quý doanh nghiệp không nắm vững các quy định, thủ tục đăng ký nhãn hiệu hoặc muốn tiết kiệm thời gian tìm hiểu hay e ngại làm việc với cơ quan hành chính thì hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ đăng ký nhãn hiệu cho các đơn vị chuyên gia cung cấp. Công ty IPGO là một địa chỉ uy tín cung cấp dịch vụ đăng ký nhãn hiệu cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu với mức chi phí hợp lý, dịch vụ chuyên nghiệp.

5. Cá nhân có được đăng ký nhãn hiệu không?

Theo quy định của pháp luật, chủ thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu không bị giới hạn là cá nhân hay tổ chức. Cụ thể, Luật Sở hữu trí tuệ quy định như sau:

Điều 87. Quyền đăng ký nhãn hiệu

1. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.

2. Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.

Như vậy, ngay cả khi bạn là một cá nhân chưa thành lập công ty thì vẫn hoàn toàn đủ điều kiện để tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa/dịch vụ của mình.

6. Đăng ký nhãn hiệu cần giấy tờ gì?

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu có phức tạp không?

Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu bao gồm các tài liệu:

– 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, đánh máy theo mẫu số: 04-NH Phụ lục A của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN. Lưu ý, phần Danh mục các hàng hoá/dịch vụ trong tờ khai phải được phân nhóm phù hợp với bảng phân loại quốc tế về hàng hoá, dịch vụ (theo Thoả ước Nice lần thứ 11)]

– 05 Mẫu nhãn hiệu kèm theo;

– Chứng từ nộp phí, lệ phí.

Trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu tối thiểu nêu trên, đơn đăng ký cần phải có thêm các tài liệu sau:

– Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận;

– Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);

– Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu chứa địa danh hoặc dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).

– Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).

7. Đăng ký nhãn hiệu mất bao lâu?

Theo quy định pháp luật, thời gian đăng ký nhãn hiệu sẽ kéo dài 12 tháng kể từ khi nộp đơn tới khi nhận được Thông báo xét nghiệm nội dung.

Trong đó, thời hạn thẩm định hình thức đơn là 01 tháng kể từ ngày nộp đơn. Trong trường hợp được chấp nhận hợp lệ về mặt hình thức, đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong vòng 02 tháng kể từ ngày được chấp nhận đơn hợp lệ. Sau đó, đơn sẽ bước vào quá trình thẩm định nội dung kéo dài 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, do số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu ngày càng gia tăng qua mỗi năm trong khi nhân lực tại Cục Sở hữu trí tuệ lại có hạn, thời gian đăng ký nhãn hiệu thường kéo dài hơn rất nhiều, thậm chí có thể lên tới 24-36 tháng.

Ngoài ra, đơn đăng ký nhãn hiệu bị Thông báo thiếu sót, sửa đổi, bổ sung hay bị phản đối bởi một bên thứ ba đều khiến cho quá trình xét nghiệm đơn kéo dài.

Để kịp thời theo dõi và xử lý các Thông báo từ Cục Sở hữu trí tuệ liên quan tới đơn đăng ký nhãn hiệu, bạn nên nhờ tới sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn. Bởi thời gian theo đuổi một đơn đăng ký nhãn hiệu kéo dài như trên, rất nhiều Người nộp đơn đã không chú ý sát sao được tới đơn của mình và bỏ lỡ các Thông báo quan trọng từ Cục Sở hữu trí tuệ. Khi phát hiện ra thì đơn đã bị từ chối rất đáng tiếc. Chưa kể, các đơn vị chuyên môn sẽ tư vấn cho bạn hạn chế thấp nhất những sai sót, rủi ro đối với đơn. Nếu đơn bị phản đối bởi một bên thứ ba bất kỳ hay Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối đơn của bạn, các đơn vị chuyên môn sẽ tư vấn đường đi nước bước tối ưu nhất cho bạn.

Vì vậy, nếu bạn đang có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu, đừng ngần ngại liên hệ ngay với IPGO để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất nhé.

8. Đăng ký nhãn hiệu mất bao nhiêu tiền?

Chi phí đăng ký nhãn hiệu sẽ bao gồm Phí Nhà nước và Phí dịch vụ (trong trường hợp bạn sử dụng dịch vụ đăng ký nhãn hiệu của các đơn vị chuyên môn). Trong đó, Phí dịch vụ sẽ tùy thuộc vào giá cả của từng đơn vị. Còn Phí Nhà nước đối với mỗi nhãn hiệu được tính như sau:

– Phí tra cứu, đánh giá khả năng bảo hộ trước nộp đơn (không bắt buộc nhưng được khuyến khích thực hiện): Cục Sở hữu trí tuệ hiện không còn thực hiện thủ tục này nữa. Tuy nhiên, khách hàng có thể tìm tới các đơn vị cung cấp dịch vụ nêu trên để được hỗ trợ.

– Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ

– Phí công bố đơn: 120.000VNĐ

– Phí tra cứu phục vụ Thẩm định nội dung: 180.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ

– Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi (nếu có): 30.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ

– Phí thẩm định nội dung: 550.000VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ

– Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi (nếu có): 120.000VNĐ/01 sản phẩm, dịch vụ.

– Phí cấp văn bằng bảo hộ (nếu nhãn hiệu đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ): 360.000 VNĐ/01 nhóm sản phẩm, dịch vụ; mỗi nhóm tiếp theo từ thứ hai trở đi (nếu có): 100.000 VNĐ.

Như vậy, chi phí đăng ký một nhãn hiệu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: khách hàng có nhu cầu tra cứu, đánh giá khả năng bảo hộ trước nộp đơn hay không (tuy nhiên đa phần chúng tôi khuyên rằng có nên thực hiện); số nhóm sản phẩm/dịch vụ gắn với nhãn hiệu đăng ký & số lượng sản phẩm/dịch vụ trong mỗi nhóm; khách hàng có nhu cầu tiến hành đăng ký nhanh hay làm bình thường theo thực tế.

Ví dụ: Khách hàng nộp đơn đăng ký 01 nhãn hiệu với danh mục sản phẩm như sau:

Nhóm 02: Sơn nước; sơn dầu. (02 sản phẩm)

Nhóm 19: Bột trét tường; keo dán gạch (hỗn hợp xi măng và phụ gia để dán gạch); vữa dùng trong xây dựng; bột trám ron dùng để trét giữa các viên gạch; gạch xây dựng; gạch men; đất làm gạch. (07 sản phẩm)

Do đơn đăng ký nhãn hiệu kể trên gồm 02 nhóm sản phẩm và có 01 sản phẩm thứ 7 trở đi (ở nhóm 19) nên Phí nhà nước được tính như sau:

– Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ

– Phí công bố đơn: 120.000VNĐ

– Phí tra cứu phục vụ Thẩm định nội dung: 180.000VNĐ x 02 nhóm = 360.000 VNĐ

– Phí tra cứu cho sản phẩm, dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000VNĐ x 01 sản phẩm = 30.000 VNĐ

– Phí thẩm định nội dung: 550.000VNĐ x 02 nhóm = 1.100.000 VNĐ

– Phí thẩm định nội dung cho sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 120.000VNĐ x 01 sản phẩm = 120.000VNĐ

– Phí cấp văn bằng bảo hộ (nếu nhãn hiệu đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ): 360.000 VNĐ (cho nhóm sản phẩm đầu tiên) + 100.000 VNĐ (cho Nhóm thứ hai) = 460.000 VNĐ

=> Tổng phí Nhà nước: 2.340.000 VNĐ

Nếu tra cứu và đăng ký nhãn hiệu thông qua đơn vị tư vấn, tổng phí sẽ gồm: Phí Nhà nước (2.340.000 VNĐ) + Phí dịch vụ (cho việc tra cứu & đăng ký hoặc làm nhanh nếu được yêu cầu).

9. Cách kiểm tra đăng ký nhãn hiệu: Tra cứu nhãn hiệu có bị trùng/tương tự hay không?

Tra cứu nhãn hiệu là điều đầu tiên và tối quan trọng mà bạn phải chú ý trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu của mình. Bởi nếu không tiến hành tra cứu, bạn sẽ không biết được nhãn hiệu mình dự định đăng ký có (i) trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký trước hay chưa và (ii) xác suất được bảo hộ là bao nhiêu. Nếu nhãn hiệu của bạn không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ thì việc bạn nộp đơn đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ sẽ trở nên vô nghĩa, lãng phí tiền bạc và thời gian chờ đợi.

Tra cứu nhãn hiệu không bắt buộc nhưng vô cùng cần thiết

Trước năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ có triển khai việc tra cứu sơ bộ đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu. Tuy nhiên, do số lượng nhãn hiệu cần tra cứu quá lớn nên Cục Sở hữu trí tuệ đã không còn tiến hành thủ tục này trên thực tế nữa.

Song bạn cũng không cần thiết phải lo lắng bởi IPGO sẽ gợi ý cho bạn cách tra cứu nhãn hiệu của mình theo những phương án như dưới đây:

a) Tra cứu sơ bộ miễn phí tại Thư viện số về Sở hữu công nghiệp (IP LIB) của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Bước 1: Truy cập đường link tra cứu: http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearch.php

Bước 2: Nhập tên nhãn hiệu dự định đăng ký (Ví dụ: “IVY”) vào trường “Nhãn hiệu tìm kiếm”

Bước 3: Nhập thông tin vào trường Nhóm SP/DV (Ví dụ: nhập “25” (đây là Nhóm về Quần áo, đồ đi chân, đồ đội đầu)).

Muốn biết hàng hóa/dịch vụ do bạn cung cấp thuộc Nhóm nào, bạn có thể tham khảo trong Bảng phân loại hàng hóa/dịch vụ Ni-xơ được Cục Sở hữu trí tuệ áp dụng.

Nếu bỏ qua bước 3 này, kết quả tra cứu trả về sẽ bao gồm tất cả các đơn đăng ký nhãn hiệu có chứa từ “IVY”, không giới hạn chỉ thuộc Nhóm 25.

Bước 4: Nhấn vào nút tìm kiếm

Kết quả trả về như hình dưới đây:

Với từ khóa đặt trong dấu ngoặc kép “…”, kết quả trả về sẽ chỉ cho bạn biết nhãn hiệu tra cứu đã trùng với nhãn hiệu đăng ký trước của người khác cho cùng loại sản phẩm/dịch vụ hay chưa, mà có thể chưa hiển thị được các nhãn hiệu tương tự (ví dụ: “AIVY” hay “IVI”). Để thực hiện được sự tra cứu và đánh giá chính xác hơn sẽ yêu cầu bạn phải có kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực nhãn hiệu.

Chưa kể, do cơ sở dữ liệu của Cục SHTT không cập nhật đầy đủ so với dữ liệu thực tế (thường chậm hơn 06-08 tháng) và không bao gồm các đăng ký quốc tế (WIPO) chỉ định vào Việt Nam cũng khiến kết quả tra cứu sơ bộ này chỉ mang tính tham khảo với mức độ tin cậy khoảng 50%. Dù sao, chúng tôi cũng cho rằng công cụ này đặc biệt hữu ích cho khách hàng có nhu cầu kiểm tra tên mình đặt có trùng lặp ý tưởng không.

b. Tra cứu chuyên sâu (mức độ tin cậy đến 90%)

Nếu không am hiểu cặn kẽ về các câu lệnh tra cứu nhãn hiệu, cũng như không có kiến thức chuyên sâu về việc đánh giá các nhãn hiệu tương tự gây nhầm lẫn thì công cụ nêu trên gần như không thể giúp bạn đánh giá được khả năng bảo hộ của nhãn hiệu. Lúc này, bạn rất cần đến sự trợ giúp từ các đơn vị chuyên tư vấn về bảo hộ nhãn hiệu – chẳng hạn như IPGO. Chúng tôi sẽ gửi hồ sơ tra cứu nhãn hiệu của Quý khách trực tiếp cho chuyên viên trong Cục Sở hữu trí tuệ trực tiếp đánh giá.

Với hình thức tra cứu này, độ chính xác của kết quả tra cứu có thể lên tới 90%, còn lại là các yếu tố rủi ro như có đơn xin hưởng quyền ưu tiên nộp sau ngày tra cứu, nhãn hiệu bị phản đối cấp … hay góc nhìn trái chiều của xét nghiệm viên tại thời điểm xét nghiệm.

Nếu bạn quan tâm về dịch vụ tra cứu nhãn hiệu, hãy liên lạc ngay với IPGO để được tư vấn tận tình nhất có thể.

10. Có nên tự đăng ký nhãn hiệu?

Tự đăng ký nhãn hiệu tiềm ẩn một số rủi ro

Khi xem xét việc đăng ký nhãn hiệu cho doanh nghiệp của mình, bạn có thể phân vân không rõ về việc bạn nên tự mình thực hiện hay sử dụng dịch vụ do đơn vị tư vấn cung cấp. Một lợi ích trước mắt là bạn có thể tiết kiệm phí dịch vụ bằng cách tự mình nộp đơn đăng ký. Tuy nhiên, đằng sau việc tự đăng ký cũng tiềm ẩn những rủi ro mà bạn không lường hết.

Thứ nhất, quy trình đăng ký nhãn hiệu đôi khi rất phức tạp và bất kì sai sót nào đối với đơn đã được nộp của bạn sẽ khiến bạn mất thời gian và tiền bạc. Thậm chí, sau một thời gian chờ đợi rất lâu (kéo dài vài năm), bạn mới “té ngửa” vì đơn đăng ký của mình bị từ chối chỉ bởi một lý do đơn giản mà nếu được chuyên gia nhãn hiệu tư vấn ngay từ đầu, bạn đã có thể phát hiện và giải quyết.

Thứ hai, rủi ro khi tự nộp đơn đăng ký nhãn hiệu mà nhiều người mắc phải là không xác định được chính xác phạm vi bảo hộ. Điều này có thể khiến bạn không sở hữu được các quyền mà bạn nghĩ bạn đã đăng ký, do đó có thể dẫn đến việc phải đăng ký lại tốn kém hơn hay không thể ngăn người khác sử dụng các nhãn hiệu tương tự vì phạm vi bảo hộ nhãn hiệu của bạn không bao gồm sản phẩm/dịch vụ cần có để làm điều đó.

Thứ ba, trong quá trình thẩm định đơn, nhiều người tự nộp đơn nhận được những thông báo thiếu sót, dự định từ chối hay quyết định từ chối từ Cục Sở hữu trí tuệ. Do không am hiểu quy định, những người tự nộp đơn đã phải từ bỏ việc theo đuổi đơn vì nó quá khó hoặc tốn thời gian để khắc phục hay đôi khi chỉ bởi họ đã bỏ lỡ thời hạn trả lời. Trong khi đó, một chuyên gia về nhãn hiệu có thể đưa ra cho bạn những sự lựa chọn để thẳng tiến về phía trước. Chúng tôi có thể hướng dẫn bạn những vấn đề dường như nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn để có được kết quả bảo hộ thành công cuối cùng.