IPGO với đối ngũ Luật sư và chuyên viên pháp lý cao cấp có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn và tiến hành thủ tục công bố mỹ phẩm sản xuất trong nước và mỹ phẩm nhập khẩu, khách hàng sẽ hoàn toàn yên tâm khi quyết định sử dụng dịch vụ công bố mỹ phẩm của công ty chúng tôi.
Công bố mỹ phẩm là gì?
Công bố mỹ phẩm là việc mà tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường tiến hành các thủ tục tại cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền (là Sở Y tế hoặc Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế) để được cấp Phiếu tiếp nhận công bố sản phẩm mỹ phẩm, từ đó là cơ sở để sản phẩm mỹ phẩm đó được lưu hành trên thị trường.
Khi đó tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng của sản phẩm mỹ phẩm đó. Đồng thời tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm ra thị trường cũng cần kiểm soát, ngăn chặn các hành vi đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ra thị trường và có căn cứ để các cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm. Cơ quan nhà nước thẩm quyền sẽ tiến hành hậu kiểm thường xuyên hoặc định kỳ khi sản phẩm mỹ phẩm lưu thông trên thị trường.
Các điều kiện khi công bố mỹ phẩm
Khi công bố mỹ phẩm, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường cần phải đảm bảo đủ điều kiện pháp lý về ngành nghề kinh doanh, điều kiện về sản phẩm,… Từ đó làm cơ sở để xây dựng hồ sơ công bố theo đúng quy định của pháp luật.
Điều kiện ngành nghề kinh doanh
Các cá nhân hay tổ chức muốn kinh doanh mỹ phẩm thì cần phải đáp ứng được yêu cầu đủ điều kiện kinh doanh mỹ phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, điều kiện để một cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh mỹ phẩm như sau:
Có giấy phép kinh doanh hợp pháp: Theo đó để được cấp giấp phép kinh doanh hợp pháp thì cá nhân, chủ doanh nghiệp/ người đại diện phải trên 18 tuổi và có đủ năng lực hành vi nhân sự. Đồng thời phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh trước khi tiến hành hoạt động buôn bán mỹ phẩm. Ngoài ra, khi đăng ký kinh doanh cá thể với hình thức mở cửa hàng thì cần đảm bảo yếu tố về tên hộ gia đình theo quy định của luật doanh nghiệp
Có mã ngành theo đúng quy định: Trên giấy phép kinh doanh phải có mã ngành 4649 với nội dung chi tiết là “Bán buôn mỹ phẩm” và mã ngành 4772 với nội dung là “Bán lẻ mỹ phẩm”.
Có tính pháp lý rõ ràng: Có địa chỉ và trụ sở kinh doanh rõ ràng, có người đại diện theo pháp luật, không được đăng ký trụ sở tại chung cư hoặc khu tập thể.
Điều kiện giấy phép sản xuất
Mỹ phẩm muốn lưu hành trên thị trường thì phải được sản xuất tại cơ sở đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm hoặc cơ sở được chứng nhận Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (cGMP). Cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm hoặc giấy chứng nhận Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (cGMP) đối sản phẩm cần công bố.
Để cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm cần có các điều kiện sau:
Điều kiện về nhân sự của nhà máy: Người phụ trách sản xuất phải có kiến thức chuyên môn về một trong các chuyên ngành sau: Dược học, sinh học, hóa học, hoặc các chuyên ngành khác có liên quan đáp ứng yêu cầu của công việc.
Điều kiện về cơ sở vật chất
- Có nhà xưởng với diện tích phù hợp theo yêu cầu, có trang thiết bị đáp ứng với yêu cầu về dây chuyền sản xuất, loại sản phẩm mỹ phẩm mà cơ sở đó dự kiến sản xuất như đã nêu trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm (ví dụ như dây truyền sản xuất dạng mỹ phẩm ướt, dây truyền sản xuất mỹ phẩm khô,…)
- Kho bảo quản nguyên liệu, bao bì đóng gói sản phẩm và thành phẩm phải bảo đảm có sự tách biệt giữa nguyên liệu, bao bì đóng gói và thành phẩm; có khu vực riêng để bảo quản các chất dễ cháy nổ, các chất độc tính cao, nguyên, vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm bị loại, bị thu hồi và bị trả lại.
Có hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng đáp ứng các yêu cầu sau:
- Nguyên liệu, phụ liệu, bao bì đóng gói dùng trong sản xuất mỹ phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất;
- Nước dùng trong sản xuất mỹ phẩm tối thiểu phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước ăn uống do Bộ Y tế ban hành;
- Các loại nguyên liệu, bán thành phẩm đưa vào sản xuất phải có tiêu chuẩn chất lượng và đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất;
- Có quy trình sản xuất riêng cho từng sản phẩm (ví dụ dây truyền sản xuất mỹ phẩm dạng ướt, dây truyền sản xuất mỹ phẩm dạng khô).
- Có bộ phận kiểm tra chất lượng (Quality Control – QC) và đảm bảo chất lượng (Quality Assurance – QA) để kiểm tra và đảm bảo chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm, sản phẩm chờ đóng gói và thành phẩm;
- Có hệ thống lưu giữ hồ sơ tài liệu sản phẩm mỹ phẩm (Product information file – PIF).
Điều kiện kiểm nghiệm sản phẩm
Muốn biết sản phẩm mỹ phẩm có đạt yêu cầu chất lượng và đảm bảo an toàn hay không thì cần phải tiến hành kiểm nghiệm sản phẩm đó. Việc kiểm nghiệm sản phẩm được thực hiện tại phòng kiểm nghiệm được thuê ngoài hoặc được thực hiện tại chính phòng kiểm nghiệm của nhà sản xuất nếu nhà sản xuất đó có phòng kiểm nghiệm đạt các yêu cầu về thiết bị, hóa chất và con người. Đặc biệt, đối với phiếu kiểm nghiệm để phục vụ hồ sơ công bố mỹ phẩm thì bắt buộc phải được kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm đạt chứng nhận ISO 17025 (Chứng nhận của phòng thử nghiệm, kiểm nghiệm).
Kiểm nghiệm kim loại nặng:
Theo quy định của Bộ Y tế về mỹ phẩm, bao gồm 3 kim loại nặng bắt buộc phải kiểm nghiệm đối với sản phẩm mỹ phẩm bao gồm Chì, Thủy Ngân, Asen. Trong đó, giới hạn của Asen là dưới 5 phần triệu, giới hạn của Chì là dưới 20 phần triệu, và giới hạn của thủy ngân là dưới 1 phần triệu.
Kiểm nghiệm vi sinh vật:
Theo quy định của Bộ Y tế, các chỉ tiêu vi sinh vật bắt buộc phải kiểm nghiệm đối với mỹ phẩm bao gồm:
- Tổng số vi sinh vật: giới hạn dưới 500 CFU/g trong 0,1 g hoặc 0,1 ml mẫu thử đối với các sản phẩm dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi, sản phẩm tiếp xúc vùng mắt hoặc niêm mạc hoặc dưới 1000 CFU/g đối với các sản phẩm khác.
- Pseudomonas aeruginosa, Staphylococcus aureus, Candida albicans: Không được có trong 0,1 g hoặc 0,1 ml mẫu thử.
- Ngoài kiểm nghiệm 2 chỉ tiêu bắt buộc là vi sinh và kim loại nặng thì có thể kiểm nghiệm thêm tính kích ứng da của sản phẩm, kiểm nghiệm các hoạt chất, các thành phần có tác dụng trong mỹ phẩm đó hoặc kiểm nghiệm các chất cấm sử dụng trong mỹ phẩm để kiểm soát chất lượng của sản phẩm.
Việc kiểm nghiệm mỹ phẩm này giúp doanh nghiệp đảm bảo được các sản phẩm của mình là đạt chất lượng, an toàn cho người sử dụng, giúp tạo niềm tin cho người sử dụng. Đồng thời, kiểm nghiệm sản phẩm còn giúp quảng cáo sản phẩm, tạo thương hiệu cho sản phẩm.
Điều kiện của sản phẩm nhập khẩu
Đối với trường hợp kinh doanh mỹ phẩm nhập khẩu hợp pháp thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường cần đảm bảo về chất lượng sản phẩm cũng như nguồn gốc xuất xứ của từng loại, thông quan hợp pháp và rõ ràng. Tất cả các loại hàng hóa mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam để được lưu hành và kinh doanh hợp pháp cần đáp ứng các điều kiện:
- Sản phẩm mỹ phẩm phải được cấp Phiếu tiếp nhận bản công bố mỹ phẩm còn hiệu lực do Cục quản lý dược – Bộ y tế cấp.
- Sản phẩm mỹ phẩm phải được nhập khẩu theo đường chính ngạch, có giấy tờ và thủ tục thông quan rõ ràng theo quy định của pháp luật. Cá nhân, tổ chức cần xuất đầy đủ hồ sơ, Phiếu tiếp nhận công bố mỹ phẩm, hóa đơn mua hàng, hợp đồng mua bán có liên quan cho cơ quan Hải Quan khi có yêu cầu.
- Mỹ phẩm sau khi đã được thông quan cần dán nhãn phụ có ghi đầy đủ các thông tin theo quy định. Nhãn phụ được dán lên cần đảm bảo, không che mất các thông tin quan trọng trên sản phẩm. Nội dung của nhãn phụ được viết bằng tiếng Việt.
- Mỹ phẩm cần phải lưu hành ở dạng nguyên vẹn như khi thông quan, tuyệt đối không được thay đổi quy cách đóng gói của sản phẩm như sang chiết, thay đổi vỏ hộp.
- Nhãn hiệu hàng hóa mỹ phẩm nhập khẩu về không được trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam vì sẽ vi phạm bản quyền thương hiệu.
Điều kiện sản phẩm sẽ công bố
Các sản phẩm mỹ phẩm để được lưu hàng trên thị trường và được cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố cần phải đáp ứng được các điều kiện sau:
- Sản phẩm đó phải là mỹ phẩm (theo hướng dẫn phân loại mỹ phẩm tại thông tư 06/2011/TT-BYT và hướng dẫn của Hiệp hội mỹ phẩm ASEAN).
- Sản phẩm mỹ phẩm công bố phải nằm trong danh mục sản phẩm mỹ phẩm được phép công bố theo quy định của pháp luật. Thành phần cấu tạo nên sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn, không chứa chất cấm sử dụng, các chất được sử dụng không vượt quá nồng độ tối đa cho phép và không gây hại cho người sử dụng.
- Sản phẩm bắt buộc phải được sản xuất tại cơ sở đạt chứng nhận thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (cGMP) hoặc cơ sở đạt chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.
- Đối với các sản phẩm mỹ phẩm sau khi công bố xong và đã lưu hành trên thị trường phải báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh mỹ phẩm lên sở Y tế và bộ Y tế định kỳ hàng năm
Danh sách mỹ phẩm phải công bố
Mỹ phẩm là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh phụ thuộc vào mã ngành kinh doanh trên giấy đăng ký kinh doanh. Mỹ phẩm chỉ có thể kinh doanh khi sản phẩm đó đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Phiếu tiếp nhận công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Theo quy định của Hiệp hội mỹ phẩm ASEAN, phải công bố theo quy định bao gồm các loại sau:
- Kem, sữa (lotion), nhũ tương, gel và dầu dùng cho da (tay, mặt, chân,…).
- Mặt nạ cho da (trừ sản phẩm làm bong da nguồn gốc hóa học)
- Chất phủ màu (dạng lỏng, nhão, bột).
- Phấn trang điểm, phấn vệ sinh, phấn dùng sau khi tắm.
- Xà phòng vệ sinh, xà phòng khử mùi, xà phòng làm thơm,…
- Nước hoa, nước thơm và nước hoa toàn thân dùng vệ sinh.
- Sản phẩm khi tắm (như muối tắm, xà bông, dầu, gel tắm)
- Sản phẩm tẩy lông, làm rụng lông.
- Sản phẩm khử mùi cơ thể và chống ra mồ hôi như lăn nách, khử mùi chân
- Sản phẩm dùng để cạo râu (kem, xà bông, sữa,vv…).
- Sản phẩm trang điểm và tẩy trang mặt và mắt như nước tẩy trang, dầu tẩy trang.
- Sản phẩm dùng cho môi (như son màu, son dưỡng, nước tẩy trang).
- Sản phẩm chăm sóc răng và miệng như kem đánh răng, nước súc miệng.
- Sản phẩm chăm sóc và trang điểm móng như sơn móng tay.
- Sản phẩm vệ sinh cơ quan sinh dục ngoài như dung dịch vệ sinh phụ nữ, dung dịch vệ sinh nam.
- Sản phẩm chống nắng như kem chống nắng.
- Sản phẩm làm sạm da mà không cần tắm nắng như kem bắt nắng, kem làm đều màu da
- Sản phẩm làm trắng da
- Sản phẩm chống nhăn da
- Ngoài ra còn một số dạng sản phẩm khác chưa được hình dung và phân chia rõ ràng khi đối chiếu với tính năng của sản phẩm.
Danh sách sản phẩm chăm sóc tóc
- Sản phẩm dùng để nhuộm và tẩy màu tóc.
- Sản phẩm dùng để uốn tóc, duỗi tóc, giữ nếp tóc
- Các sản phẩm định dạng tóc
- Sản phẩm làm sạch (dầu gội, sữa, bột)
- Sản phẩm dưỡng tóc (sữa, kem ủ, dầu xả)
- Các sản phẩm tạo kiểu tóc (keo xịt tóc, sáp vuốt tóc)
Quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm
Để việc đăng ký công bố mỹ phẩm diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, thì doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy định mới về công bố mỹ phẩm bao gồm:
- Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định việc quản lý các mỹ phẩm sản xuất trong nước, mỹ phẩm nhập khẩu để lưu thông trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam, bao gồm: công bố sản phẩm mỹ phẩm trong nước và nhập khẩu; hồ sơ thông tin sản phẩm; yêu cầu về an toàn sản phẩm; ghi nhãn mỹ phẩm; quảng cáo mỹ phẩm; xuất khẩu, nhập khẩu mỹ phẩm; lấy mẫu mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, nhập khẩu mỹ phẩm và quyền của người tiêu dùng.
- Thông tư 29/2020/TT-BYT sửa đổi bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành.
- Thông tư số 277/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm; mức thu, chế độ thu tốt thế.
Hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm
Công bố mỹ phẩm sản xuất trong nước
Mỹ phẩm sản xuất trong nước là các mỹ phẩm được sản xuất tại nhà máy có địa chỉ là tại Việt Nam. Thành phần hồ sơ công bố mỹ phẩm sản xuất trong nước bao gồm:
- Bản cứng Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm kèm theo đĩa CD lưu trữ bản mềm phiếu công bố.
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường (bản sao y công chứng).
- Giấy uỷ quyền của nhà sản xuất uỷ quyền cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường trong trường hợp doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không phải là nhà sản xuất (bản chính hoặc bản sao y công chứng).
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm của nhà sản xuất còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ (bản sao y công chứng).
Nếu doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường không phải nhà sản xuất thì phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà sản xuất, giấy uỷ quyền, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm và hợp đồng gia công sản phẩm mỹ phẩm đó giữa doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và nhà sản xuất.
- Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
Công bố mỹ phẩm nhập khẩu
Mỹ phẩm nhập khẩu là mỹ phẩm được sản xuất tại nhà máy có địa chỉ nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Theo quy định tại thông tư 06/2011/TT-BYT về Quản lý mỹ phẩm ban hành ngày 25/01/2011 thì hồ sơ công bố mỹ phẩm nhập khẩu bao gồm:
- Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm kèm theo bản mềm của Phiếu công bố để cơ quan nhà nước cấp Phiếu tiếp nhận công bố mỹ phẩm khi đủ điều kiện.
- Giấy đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (bản sao công chứng), trong đó ghi rõ trên giấy đăng ký kinh doanh có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam.
- Giấy ủy quyền của chủ sở hữu sản phẩm hoặc của nhà sản xuất ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được phân phối sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam, được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.
- Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale) được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định và được cấp trong vòng 24 tháng.
- Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025 trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ.
Căn cứ pháp luật tham khảo
Luật quản lý ngoại thương
Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15 tháng 5 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương.
Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y Tế ngày 25 tháng 01 năm 2011 quy định về quản lý mỹ phẩm.
Thông tư 29/2020/TT–BYT sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành.
Thông tư 277/2016/TT-BTC của Bộ Tài Chính ngày 14 tháng 11 năm 2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ký ngày 08 tháng 3 năm 2018.
Hiệp định về hệ thống hòa hợp ASEAN trong quản lý mỹ phẩm.
Hỏi/Đáp công bố mỹ phẩm
Trong quá trình thực hiện công bố mỹ phẩm, khách hàng sẽ có rất nhiều câu hỏi trước và sau khi công bố. Vậy hãy cùng theo chân IPGO để giải đáp một số thắc mắc này.
Nộp hồ sơ công bố mỹ phẩm ở đâu?
Như đã trình bày ở trên, hiện nay tại Việt Nam, có 03 cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm đó là:
– Cục quản lý dược – Bộ y tế: Tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm nhập khẩu.
– Sở y tế tỉnh/thành phố: Tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm cho sản phẩm sản xuất trong nước được sản xuất tại tỉnh/thành phố đó.
– Ban quản lý đặc khu kinh tế tại Khu công nghiệp Mộc Bài, Lao Bảo: Tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm lưu thông qua các khu Công nghiệp này.
Không công bố mỹ phẩm sẽ bị xử phạt như thế nào?
Việc không công bố mỹ phẩm nhưng vẫn lưu hành sản phẩm mỹ phẩm đó trên thị trường là việc làm trái pháp luật. Các Sở Y tế tỉnh/thành phố thường xuyên và định sẽ tiến hành hậu kiểm các sản phẩm mỹ phẩm trên thị trường. Việc hậu kiểm này bao gồm cả việc kiểm tra hồ sơ công bố mỹ phẩm, phiếu mua hàng, kiểm nghiệm mẫu mỹ phẩm đó nếu có nghi ngờ về chất lượng hoặc kiểm tra việc báo cáo tình hình kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm đó của công ty. Do vậy, các sai phạm do không công bố mỹ phẩm sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật. Việc xử phạt này được tuân thủ theo nghị định 176/2013/NĐ-CP ban hành ngày 14/11/2013, cụ thể về mức phạt đối với từng trường hợp xem tại ĐÂY
Lệ phí cho 1 hồ sơ công bố mỹ phẩm là bao nhiêu?
Theo thông tư 277/2016/TT-BTC ban hành ngày 14/11/2016 nêu rõ lệ phí thẩm định hồ sơ công bố mỹ phẩm là 500.000 đồng cho mỗi sản phẩm. Mức phí này được áp dụng cho cả mỹ phẩm nhập khẩu và mỹ phẩm sản xuất trong nước. Nơi nộp lệ phí cũng chính là cơ quan tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm đó. Sau khi doanh nghiệp nộp phí thẩm định xong, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ mới tiến hành tiếp nhận và thẩm định hồ sơ.
Thủ tục công bố mỹ phẩm làm online hay làm bản giấy?
Kể từ ngày 1/1/2017, thủ tục công bố mỹ phẩm được triển khai trên hệ thống online qua Cổng thông tin Một cửa quốc gia tại đường website https://vnsw.gov.vn. Khi doanh nghiệp muốn công bố mỹ phẩm cần tạo tài khoản và đăng nhập vào website này để tải hồ sơ công bố lên. Do vậy, hồ sơ công bố mỹ phẩm bằng bản giấy sẽ không được tiếp nhận.
Làm thế nào để biết sản phẩm có phải là mỹ phẩm hay không?
Để biết một sản phẩm có phải là mỹ phẩm không cần dựa vào khái niệm của mỹ phẩm và các phân loại của mỹ phẩm. Danh mục các sản phẩm mỹ phẩm đã được IPGO nêu rất chi tiết ở phần trên.
Thủ tục khi công bố son hoặc bảng mắt nhiều màu như thế nào?
Sản phẩm son nhiều màu hoặc bảng mắt nhiều màu sẽ được công bố chung trong một Phiếu công bố mỹ phẩm, lệ phí nhà nước được tính chung cho 1 bộ hồ sơ với điều kiện sản phẩm son hoặc bảng mắt nhiều màu đó cùng một nhà sản xuất, cùng chung tên sản phẩm (chỉ khác tên màu), cùng công thức thành phần (chỉ khác thành phần tạo màu). Trường hợp khác các thông tin nêu trên phải công bố thành các Phiếu công bố mỹ phẩm riêng.
Công bố mỹ phẩm dạng bộ (set/ kit) như thế nào?
Trường hợp sản phẩm có cùng một chủ sở hữu, được đóng dưới tên chung và được bán dưới dạng một bộ sản phẩm thì được phép công bố trong 1 Phiếu công bố mỹ phẩm. Lệ phí nhà nước được tính là 1 hồ sơ công bố mỹ phẩm thông thường.
Mẫu mỹ phẩm nhập khẩu để nghiên cứu, kiểm nghiệm có phải làm công bố không?
Theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, các mỹ phẩm được nhập khẩu về để nghiên cứu và kiểm nghiệm được miễn làm thủ tục công bố mỹ phẩm. Tuy nhiên các sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu để nghiên cứu, kiểm nghiệm phải được sử dụng đúng mục đích, các nhân, tổ chức nhập khẩu sản phẩm phải cam kết không được phép đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường.
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu mỹ phẩm để nghiên cứu, kiểm nghiệm phải gửi đơn hàng nhập khẩu mỹ phẩm dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm (bao gồm hóa đơn mua hàng, packing, check list,…) tới Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế (theo biểu mẫu Phụ lục số 14-MP) và được lập thành 03 bản. Sau khi được phê duyệt, 02 bản được lưu tại Cục Quản lý Dược, 01 bản gửi đơn vị. Bản gửi đơn vị có đóng dấu “Bản gửi doanh nghiệp” để trình cơ quan Hải quan khi làm thủ tục thông quan. Số lượng tối đa cho mỗi sản phẩm nhập khẩu để nghiên cứu, kiểm nghiệm là 10 mẫu. Thủ tục này không phải nộp lệ phí.
Nước rửa tay nhập khẩu có phải làm công bố sản phẩm không?
Hiện nay nước rửa tay sẽ được phân làm 02 loại để tiến hành công bố :
– Nước rửa tay thường là loại nước rửa tay này phải rửa lại với nước, giúp làm sạch tay. Đối với sản phẩm nước rửa tay thường sẽ được coi là mỹ phẩm và được công bố là sản phẩm mỹ phẩm.
– Nước rửa tay khô diệt khuẩn: Là loại nước rửa tay không cần phải rửa lại với nước. Nước rửa tay diệt khuẩn là loại nước rửa tay mới hiện nay bên trong thành phần của nước rửa tay có chất diệt khuẩn như cồn, chlorhexidin,… Đối với sản phẩm nước rửa tay khô diệt khuẩn chứa các chất diệt khuẩn trên sẽ được coi là chế phẩm diệt khuẩn và tiến hành đăng ký lưu hành như đăng ký đối với chế phẩm diệt khuẩn tại Cục quản lý môi trường – Bộ Y tế theo Nghị định 91/2016/NĐ-CP về quản lý hóa chất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.